
19:20 - 03/04/2020
Cùng tắc biến
Tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh.

Ứng biến của Sài Gòn Food sản xuất các dòng sản phẩm cháo tươi, bữa ăn tươi, những sản phẩm an toàn và tiện dụng đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của người tiêu dùng giữa lúc bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi lại. Trong ảnh: công nhân Sài Gòn Food đang sản xuất cháo tươi.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp đã năng động tìm kiếm các giải pháp nâng cao sức “đề kháng” để có thể đứng vững trong “tâm bão” của đại dịch.
Khi tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3, cả thế giới bị xáo trộn thói quen sinh hoạt hàng ngày, cùng những tác động nguy hại đến nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã đặt ra cho chúng ta biết bao nhiêu câu hỏi. Nhưng câu hỏi lớn nhất, chắc chắn có liên quan đến vấn đề sức khoẻ, về bản năng sinh tồn của con người. Để tồn tại, bạn phải chấp nhận nó như một sự thật và bạn phải làm gì để tồn tại?
Về phía doanh nghiệp, nếu ví như cơ thể con người thì diễn biến cũng sẽ tương tự như thế. Nếu doanh nghiệp khoẻ mạnh, không có nhiều lỗ hổng trong quản lý, điều hành, có nền tảng văn hoá doanh nghiệp và khả năng thích ứng nhanh, chắc chắn sẽ đứng vững để vượt qua khủng hoảng. Hoặc chí ít, những doanh nghiệp như vậy sẽ chống chọi thành công và ít bị tổn thất hơn so với phần còn lại.
Khả năng thích ứng của doanh nghiệp được nhìn nhận từ nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh, linh hoạt chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong thời dịch bệnh. Trên thị trường hai tháng gần đây, không khó để nhận ra những điểm sáng như thế đến từ những doanh nghiệp Việt. Điển hình như công ty bánh kẹo Á Châu (ABC) nhanh nhạy tung ra thị trường loại bánh mì thanh long. Công ty Vissan lâu nay chú trọng mặt hàng tươi sống, nhưng gần đây đẩy mạnh đồ hộp, xúc xích…
Một số nhà hàng đã sáng tạo, phục vụ thực khách những món ăn, thức uống giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Trong khi đó, các công ty dệt may chuyển sang sản xuất vải kháng khuẩn để may khẩu trang… Nhiều người còn nói vui rằng, giờ nhà sản xuất ô tô nếu thấy cần thì có khi cũng phải chuyển sang làm mặt nạ chống độc đặc chủng, chứ không phải sản xuất ô tô nữa!
Với Sài Gòn Food, thời điểm này công ty đang tăng cường sản xuất các dòng sản phẩm cháo tươi, bữa ăn tươi, những sản phẩm an toàn và tiện dụng, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của người tiêu dùng giữa lúc bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, hạn chế đến những điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán ăn và trẻ con nghỉ học ở nhà. Sài Gòn Food cũng tạm thời dừng hai dự án phát triển mới theo kế hoạch để tập trung vào thế mạnh và tăng cường nguồn lực hiện có, để củng cố, đẩy mạnh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành rà soát lại bộ máy, hệ thống quản lý và tái cấu trúc theo hướng linh hoạt và hiệu quả hơn. Cụ thể như công ty đã cải tiến các quy trình vận hành, sẵn sàng cắt lỗ những lĩnh vực, danh mục kinh doanh chưa hiệu quả. Đây có thể xem như việc “lùi một bước” để củng cố nền tảng vững chắc hơn bằng nhiều hoạt động tăng cường nội lực cho doanh nghiệp.
Với bên ngoài, công ty chúng tôi đang nỗ lực áp dụng mọi giải pháp tối ưu để giữ vững niềm tin cho khách hàng, mang lại cho người tiêu dùng sự an tâm về khả năng cung cấp, ổn định chất lượng sản phẩm. Song song đó, công ty luôn theo dõi sát sao, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình thị trường để đưa ra những dự đoán, điều phối hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, tâm thế của Sài Gòn Food là không chỉ ứng phó cho qua mùa dịch, mà còn chú trọng xây dựng kế hoạch hậu dịch bằng chiến lược tăng cường nội lực và thích ứng nhanh.
Việc ứng phó nhanh không chỉ giúp doanh nghiệp biến nguy thành cơ tăng doanh thu, duy trì hoạt động vượt qua khó khăn, mà còn là trách nhiệm cung cấp đủ nguồn thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, hơn hết là chung tay với toàn xã hội ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Diễn biến tình hình dịch bệnh hiện vẫn còn rất phức tạp, tiên liệu khó lường. Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra sẽ còn để lại hậu quả trầm trọng, ngay cả khi bệnh dịch được kiểm soát, kéo dài cho đến thời hậu dịch. Vì thế, nếu xem Covd-19 như kẻ thù, thì chúng ta không nên đánh giá thấp kẻ thù này. Không nên xem thường nó. Để đứng vững trong giai đoạn đầy khó khăn này, mỗi doanh nghiệp sẽ phải cần những gì nhiều hơn cả yếu tố nội lực. Đó còn là sức mạnh tinh thần, là tâm thế bình tĩnh, tự tin trước một thách thức quá lớn lao. Đó còn là ý thức của từng người lao động trong cuộc chống dịch bệnh, tự bản thân mỗi người phải có ý thức trong việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể, để đạt được trạng thái sức khoẻ tốt nhất. Mỗi người là một người hùng của chính mình, là một thành tố của doanh nghiệp.
Các nhà khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị, thì từng con người phải tăng sức đề kháng để chống chọi với dịch bệnh. Doanh nghiệp cũng vậy, trước khi được Nhà nước hỗ trợ các cơ chế, chính sách thì để tự cứu mình, việc tăng cường nội lực, ví như là tăng kháng thể cho doanh nghiệp.
Charles Darwin, nhà khoa học người Anh, ông tổ của thuyết tiến hóa, có câu nói nổi tiếng: “Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn”. Nhìn lại những gì đang diễn ra với đại dịch Covid-19 khi hoạt động xã hội bị xáo trộn, tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta nên xem đây là cơ hội để nắm bắt nhu cầu mới của người tiêu dùng, từ đó tập trung nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mới. Nhìn theo hướng tích cực, đại dịch này cũng chính là “phép thử” cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có nội lực vững mạnh sẽ đủ sức vượt qua cơn bĩ cực, sẽ vững vàng hơn trên thương trường.
Lê Thị Thanh Lâm, phó TGĐ công ty CP Sài Gòn Food (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này