11:00 - 23/12/2015
Cải cách thể chế: AEC chờ … TPP
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với thị trường 620 triệu dân có hiệu lực thực thi từ ngày 31.12.2016.
Nhiều câu hỏi nóng đã được doanh nghiệp nêu ra. Điều đáng tiếc là đã cận ngày thực thi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể có câu trả lời xác đáng.
Tại hội thảo “AEC – những câu hỏi nóng cho 2016” do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Thể Hà, công ty Bùi Văn Ngọ, nói: “Thị trường thì lúc nào cũng có thách thức và cơ hội nên doanh nghiệp phải chủ động”.
Ông Hà tỏ ra tự tin khi các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của ông không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu được sang Philippines, Malaysia… “Vào thị trường thế giới không khó. Thời kỳ mở cửa, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và mua những kỹ thuật tốt nhất trên thế giới để làm ra sản phẩm tốt với giá tốt”.
Điều ông Hà lo lắng và bức xúc là Nhà nước chưa có những chính sách hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, cấp bộ khuyến khích thì cấp địa phương lại gây khó. Chẳng hạn như bộ Nông nghiệp khuyến khích cơ giới hoá. Để làm được thì cần có diện tích lớn, nhưng khi tập hợp nông dân gom đất lại thì phát sinh đủ các thủ tục về đất đai.
Nông sản muốn sản lượng lớn, đồng đều, đủ chuẩn chế biến, xuất khẩu, phải có vùng sản xuất lớn. Nhưng hạn điền là câu chuyện dài nhiều tập của sản xuất lớn nông nghiệp. Một doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi nêu thực tế: dù có hạn điền, nhưng bằng nhiều hình thức, chủ doanh nghiệp vẫn có thể tích tụ đất đai “bao nhiêu cũng được”. Tuy nhiên, doanh nghiệp không yên tâm sản xuất vì “khi đụng chuyện, sẽ bị truy ra là vi phạm luật pháp”.
AEC là có lộ trình, và nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị. Tuy nhiên, về phía Nhà nước, nhiều vấn đề lưu cữu lẽ ra phải được xử lý, giải quyết từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trong hội nhập, tiếng nói doanh nghiệp là rất quan trọng. Thời kỳ đầu đổi mới (thập kỷ 1990) nhiều chuyên gia đã đề cập vai trò, tiếng nói của các hiệp hội trong đề xuất chính sách. Vậy mà đến hôm nay, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, vẫn nhận xét: “Hiệp hội ngồi cho vui, nói cho “xả stress”. Hiệp hội nói Nhà nước không nghe. Nhà nước nên lắng nghe và hỗ trợ chính sách cho hoạt động doanh nghiệp, thông qua hiệp hội”.
Trong một hội nghị gần đây, ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch LBC, cũng nói: “Một VCCI là chưa đủ, Nhà nước cần lắng nghe thêm từ các hiệp hội…”
Trong đàm phán TPP, đoàn đàm phán các nước như Mỹ, New Zealand… đều có dẫn theo đại diện các tập đoàn lớn để tham vấn ngay những vấn đề gay cấn. Một thành viên đoàn đàm phán Việt Nam thừa nhận: “Cơ chế tham vấn doanh nghiệp
của Việt Nam chưa thể bằng các nước tiên tiến…”
Cải cách thể chế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi luôn là vấn đề được đề cập nhiều trong các hội nghị, hội thảo về hội nhập. Và vấn đề này, một lần nữa được nêu tại hội thảo kể trên, khi mà hàng ngày, hàng giờ doanh nghiệp phải đối diện môi trường kinh doanh không thuận lợi.
AEC cận kề, và doanh nghiệp tiếp tục phải chờ đợi. TS Trương Minh Huy Vũ, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) nói: “Trên thực tế những đòi hỏi về cải cách thể chế từ phía doanh nghiệp chưa được đáp ứng. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có tác dụng thúc đẩy cải cách. AEC có ít ràng buộc về cải cách. Nhưng với TPP sắp tới với những ràng buộc cao hơn, có thể lạc quan trong tương lai Việt Nam sẽ có những cải cách thể chế mạnh mẽ hơn”.
Theo các diễn giả, khi AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam lập tức phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hoá trong khối ASEAN. Không chỉ có thế, doanh nghiệp còn đứng trước cạnh tranh về nguồn nhân lực khi có tám nhóm ngành nghề lao động được quyền tự do di chuyển và tự do làm việc tại các nước trong khu vực: kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, vận chuyển và du lịch. Việc tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực kỹ năng cao, là thách thức mới của các doanh nghiệp.
Thanh Trúc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này