
09:00 - 10/03/2020
Các hãng bay nhỏ có nguy cơ phá sản
Dịch viêm phổi do virus Covid-19 bùng phát khiến các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương có thể bị thiệt hại 27,8 tỷ USD trong năm 2020. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói gần một nửa trong số này là các hãng Trung Quốc.
Một số hãng bay châu Á đang đứng trước bờ vực suy sụp nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục trì trệ. Ngoài ra, IATA cũng dự báo các hãng hàng không trên thế giới sẽ bị thất thoát doanh thu khoảng 29,3 tỷ USD.
“Chúng tôi ước đoán đi lại toàn cầu sẽ giảm 4,7% do dịch bệnh. Điều này sẽ cắt giảm tỷ lệ tăng trưởng mà chúng tôi dự báo trước đó và gây sự sụt giảm nhu cầu của toàn ngành kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009”, tổng giám đốc kiêm CEO của IATA Alexandre de Juniac nhận định.
Chủng virus corona mới có thể “nuốt chửng” 13% nhu cầu đi lại của hành khách trong năm 2020 của các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, IATA tin rằng nhu cầu đi lại của ngành hàng không sẽ tăng 4,8% trong năm nay. Nhưng khi các hãng bắt đầu huỷ các chuyến bay đi và đến Trung Quốc đại lục và Hong Kong, nhu cầu các chuyến bay trong khu vực được dự báo sẽ giảm 8,2% trong năm 2020.
Để làm giảm ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế thế giới, ông de Juniac nói rằng “chính phủ cần phải quan tâm và hành động nhanh chóng để ứng phó”.
Chao đảo toàn cầu
Trung Quốc hiện là thị trường hàng không bận rộn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ. Đất nước này cũng là nguồn tăng trưởng mạnh mẽ cho các hãng hàng không lớn trên thế giới. Hàng loạt hãng lớn của thế giới đã mở đường bay trực tiếp đến các thành phố của nước này trong những năm gần đây. Đơn cử, American Airlines khai thác 28 chuyến bay hàng tuần giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa các hãng phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, nên sẽ chịu tổn thất khi có bất cứ gián đoạn nào. Dịch Covid-19 bùng phát, 70 hãng hàng không nước ngoài phải dừng toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc vào cuối tháng trước.
Một số hãng đã đưa ra giải pháp khẩn cấp với hy vọng bù đắp tổn thất do việc suy giảm thị trường tại Trung Quốc. Hãng Cathay Pacific Airlines ở Hong Kong yêu cầu tất cả nhân viên nghỉ phép ba tuần không lương. Hong Kong Airlines thì sa thải hơn 400 nhân viên. Asiana Airlines, hãng lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ phép không lương.
Ngay cả những đường bay không đi qua Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Qantas Airways của Australia hôm 20/2 thông báo giảm các chuyến bay đến Hong Kong và Singapore, bên cạnh việc đình hoãn các chuyến bay đến Trung Quốc cho đến hết tháng 5/2020. Trong khi đó, Thai Airways International cắt giảm các chuyến bay kết nối Bangkok với Seoul và Singapore, vì nhu cầu đi lại suy yếu.
Trung Quốc bấp bênh
Theo ước tính của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), dịch Covid-19 sẽ thổi bay 5 tỷ USD doanh thu của ngành công nghiệp hàng không trong quý 1/2020. Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) nói các hãng hàng không nước này phải hoàn trả hơn 2,85 tỷ USD tiền vé cho hành khách bị hoãn chuyến bay tính đến hôm 14/2. Các hãng hàng không của Trung Quốc đang phát triển thành những hãng bay lớn hàng đầu thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 67% các đường bay quốc tế bị cắt giảm.
Trong khi đó, hàng chục triệu người dân nước này bị hạn chế đi lại và một số lớn khác giảm thiểu các chuyến bay không cần thiết, cũng khiến thị trường bay nội địa có nguy cơ sụp đổ. Dữ liệu từ OAG cho thấy các hãng đã huỷ tổng cộng hơn 25.000 chuyến mỗi tuần.
Số lượng ghế trên các chuyến bay nội địa cũng giảm 63% so với năm trước, xuống còn 5,4 triệu trong tuần thứ hai của tháng 2, OAG cho biết. Trên một số tuyến bay, lượng hành khách giảm đến 91%.
“Trong trí nhớ của tôi, chưa có sự kiện nào tác động tàn phá mạnh mẽ đến năng lực chuyên chở hàng không như Covid-19”, nhà phân tích cao cấp John Grant của OAG, nhận định. Năm 2003, dịch SARS cũng giáng đòn mạnh vào các hãng hàng không, nhưng đến thời điểm đầu năm nay, ngành du lịch hàng không Trung Quốc đã tăng trưởng gấp mười lần.
Nhà phân tích Paul Yong thuộc ngân hàng DBS của Singapore, nói ba hãng bay lớn của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ, dễ xoay trở. Tuy vậy, các hãng nhỏ sẽ phải chật vật để duy trì hoạt động.
Nhắm đến dịch vụ thuê bao
Hàng triệu nhân viên đang làm việc ở Bắc Kinh và Thượng Hải về quê dịp tết vừa rồi đã không thể quay lại nơi làm việc trong ba tuần qua, bởi các hạn chế về đi lại hay phong toả đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ và đường sắt. Các hãng hàng không Trung Quốc nay đang nhắm thị trường thuê chuyến (charter flight) của các doanh nghiệp, và chính quyền địa phương muốn đưa nhân viên của họ quay lại nơi làm việc càng sớm càng tốt.
Trên 20 hãng, bao gồm các gã khổng lồ như China Southern Airlines và China Eastern Airlines, bắt đầu chú ý thị trường ngách mà họ từng bỏ qua cho các hãng charter. Giá cả được quyết định bởi nhiều yếu tố, bao gồm ngày và thành phố khởi hành.
Trang Caixin nói các hãng giá rẻ tiên phong trong dịch vụ này với hợp đồng khai trương của Spring Airlines chở 165 người lao động từ tỉnh Vân Nam về Thượng Hải hôm 18.2. “Dịch vụ charter là hướng tích cực của các hãng trong thị trường ế ẩm hiện nay”, Zhanfu Yu thuộc hãng tư vấn Roland Berger nhận định. Tuy nhiên, điều hành dịch vụ charter không phải lúc nào cũng như đường bay thương mại đã thiết lập sẵn. Các chuyến bay charter có thể đòi hỏi mở tuyến mới và cần có phê chuẩn của cục Hàng không dân dụng Trung Quốc – Mao Yi, người phát ngôn của hãng Spring Airlines cho biết. Ông Mao cũng nói rằng, các hãng cũng cần tiếp cận được dịch vụ của sân bay cất cánh và hạ cánh.
Bên bờ phá sản
Nhưng không phải hãng nào cũng trở bộ nhanh tìm được thị trường như Spring Airlines, nhất là các hãng nhỏ hơn. Họ đang trong tình trạng bấp bênh và có thể bị đẩy đến bên bờ phá sản.
Nhà tư vấn Paul Young nói rằng, Hainan Airlines là hãng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi chuyện nợ nần của công ty mẹ – HNA Group. Hong Kong Airlines, một hãng khác thuộc HNA, cũng đang cố xoay xở một cách bi đát. Ngoài việc bớt người và yêu cầu nhân viên còn lại nghỉ không lương, Hong Kong Airlines cũng cắt giảm tất cả dịch vụ trên máy bay.
“Tình hình sẽ phụ thuộc vào khả năng cân đối doanh thu của các hãng. Chúng tôi thấy một số hãng nhỏ dễ có nguy cơ phá sản”, Yong nhận định.
Phụ thuộc vào thị trường bùng nổ du khách từ Trung Quốc là yếu tố rủi ro lớn nhất. Hãng bay giá rẻ Nok Air của Thái Lan đang trong tâm trạng phập phồng. 10 trong số 19 điểm đến ở nước ngoài của hãng này là các thành phố ở Trung Quốc. Số lượng chuyến bay từ Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 60% trong tuần thứ hai của tháng 2 năm nay, so với năm ngoái, theo OAG.
Hàng không Việt Nam thiệt hại thế nào?
Mỗi một chuyến bay A320 cất cánh từ TP.HCM và hạ cánh ở Hà Nội tương đương 250 triệu đồng được chi ra cho phí thuê máy bay – nếu có, tiền lương phi hành đoàn, nhiên liệu và các chi phí khác. Nếu không lấp đầy từ 80% khách trở lên, nguy cơ lỗ rất lớn”, một chuyên gia hàng không ở TP.HCM giải thích.
Tuyến bay huyết mạch và xương sống TP.HCM – Hà Nội của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và Bamboo Airways hiện được bán với giá trên 500.000 đồng/chặng, bao gồm cả thuế phí. Tính chung, giá vé hiện tại chỉ bằng 15 – 20% so với mức giá dịp tết. Với mức này, các hãng “đang ăn dần vào vốn, nhưng không thể không bay”. Sự sụt giảm trên các tuyến bay nội địa được giải thích là hệ quả của khách du lịch nước ngoài không vào Việt Nam, thì số lượng ghế nội địa dôi ra thấy rõ. Hơn nữa, nhu cầu đi lại và du lịch của khách Việt cũng giảm hẳn, do các khuyến cáo hạn chế đi lại và tránh nơi đông người của ngành chức năng.
Với 87 tuyến bay đến 51 điểm đến ở Trung Quốc, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VietJet Air có tần suất 401 chuyến mỗi tuần. Việc đình hoãn các đường bay quốc tế đến Trung Quốc cũng khiến ba hãng này thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines nói hãng mất doanh thu mỗi tuần khoảng 250 tỷ đồng. Sau Vietnam Airlines là VietJet, bởi hãng có nhiều đường bay đến Trung Quốc, nhưng hiện VietJet chưa cho biết hãng bị thiệt như thế nào. Riêng Bamboo Airways khẳng định trên website và fanpage của hãng rằng “không bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, do chưa có đường bay đến Trung Quốc”. Jetstar nói hãng bị ảnh hưởng, nhưng ít hơn.
Trong khi đó, đội bay của các hãng đang mở rộng. Đến cuối tháng 12/2019, Vietnam Airlines có 104 máy bay với dòng máy bay thân rộng hai lối đi (Boeing 787-9 và 10, Airbus A350) và dòng máy bay thân hẹp A321neo. Jetstar Pacific với 18 máy bay hầu hết A320. VietJet Air sở hữu 68 máy bay với hai dòng A320 và A321neo.
Bamboo Airways có sự tăng trưởng lớn về quy mô đội bay. Tính đến tuần này, hãng có 28 máy bay, trong đó có ba máy mới Boeing 787-9. Đối với các hãng đã sở hữu máy bay riêng, dòng thanh khoản và tình hình tài chính bớt ngặt hơn. Nhưng với các hãng đang thuê máy bay mới, tiền thuê khá nặng: dòng A321neo phải trả 400.000 USD và dòng 787-9 trở lên sẽ trả 1 triệu USD mỗi tháng! Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam nói các hãng “sẽ không thể gánh nổi”!
Có thể trông chờ vào thị trường cho thuê máy bay lease back hay không?
“Nhưng trong thị trường đang dồi dào máy bay – do các hãng phải đình hoãn hoặc huỷ chuyến bay, ai sẽ dám bỏ tiền ra thuê khi thị trường đang đóng băng?”, vị chuyên gia hàng không ở TP.HCM, nhận xét.
Ông kể câu chuyện nhiều hãng lữ hành Việt Nam là đối tác của hãng phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, làm việc chỉ 10 – 15 ngày trong tháng. Có hãng lữ hành bán thêm khẩu trang và nước rửa tay, có hãng tham gia “giải cứu” thanh long và dưa hấu để nhân viên có việc làm. “Nhưng hãng bay không thể cho phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất đi làm những công việc tương tự”, ông hài hước, nhưng giọng bi đát.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này