11:04 - 30/10/2018
BOT và phí bôi trơn tiếp tục bị điểm mặt ‘hành doanh nghiệp logistics’
Chi phí vận tải chiếm tới gần 60% chi phí logistics, chưa kể các khoản chi phí “bôi trơn”, chi phí không chính thức chiếm từ 5-10% chi phí vận tải.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: Vấn đề và khuyến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 29/10, các chuyên gia tiếp tục chỉ ra những hạn chế của ngành logistics, đặc biệt là chi phí vận tải và “bôi trơn”.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo – trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, chi phí vận tải chiếm tới gần 60% chi phí logistics, trong đó đường bộ là phương thức vận tải đắt đỏ nhất, đó là chưa kể các khoản chi phí “bôi trơn”, chi phí không chính thức chiếm từ 5-10% chi phí vận tải.
Chưa kể là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đặt ra đã làm tốn kém tiền bạc và thời gian, đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics thời gian qua.
Nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra thời gian thông quan vẫn còn dài, chi phí cao và thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn còn nhiều khó khăn.
Việt Nam vẫn mất 105 giờ để thực hiện hoạt động xuất khẩu và 132 giờ để thực hiện hoạt động nhập khẩu, đứng vị trí 93, trong khi Thái Lan vị trí 57, Singapore 42 và Malaysia 61.
Cơ quan này dẫn chứng thực tế tổng chi phí một container 40 feet từ Việt Nam đi Los Angeles mất 2.532 USD thì chỉ riêng chi phí logistics nội địa đã lên đến 572 USD, tương đương 22,59%.
Đối với mỗi xe vận tải, chi phí bảo dưỡng đường bộ mỗi năm đã mất khoảng 17,5 triệu đồng, nhưng vẫn phải trả các loại phí BOT.
Hoặc doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM – Cái Mép chưa đầy 200km nhưng có 8 trạm thu phí cả đi và về. Cộng thêm chi phí cầu đường khoảng 780.000 đồng cho chiều đi lẫn về, chiếm tới gần 20%
Theo ông Trần Đức Nghĩa – giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, với chi phí vận tải đường bộ chiếm tới 60% nguyên nhân là do khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, chưa khai thác tiềm năng loại hình vận tải khác.
Đặc biệt tình trạng vận chuyển hàng hóa một chiều (xe chạy rỗng) vẫn phổ biến, nhiều nhất ở tuyến ngắn dưới 300km.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng cần thành lập cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao trách nhiệm quản lý hoạt động này cho một bộ, ngành cụ thể. Đồng thời cần luật hóa nền tảng IT các điều kiện kinh doanh, có chính sách ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất công nghiệp sang cho hoạt động logistics…
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện CIEM, nhấn mạnh cần tiến tới nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý hoạt động dịch vụ logistics để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy thương mại điện tử và công nghiệp tự động hóa để thúc đẩy ngành logistics…
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này