
21:23 - 05/06/2020
AirAsia cắt giảm 30% nhân viên, dự định bán 10% cổ phần
AirAsia Group sẽ cắt giảm đến 30% nhân viên, những nhân viên còn lại bị giảm đến 75% lương.

Ông trùm hàng không giá rẻ châu Á Tony Fernandes dự định bán 10% cổ phần của AirAsia để có nguồn tiền mặt khoảng 80 triệu USD – Ảnh: Nikkei
Trong khi đó, ông chủ Tony Fernandes đang xem xét khả năng bán 10% cổ phần tập đoàn và có thể rút lui khỏi thị trường Nhật Bản và Ấn Độ.
Việc cắt giảm nhân sự bao gồm việc sa thải 60% tiếp viên và phi công đối với hãng AirAsia và hãng bay con AirAsia X hoạt động trên các đường bay tầm trung.
Tập đoàn hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á hiện hoạt động tại các thị trường Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines. Hầu hết 20.000 nhân viên của tập đoàn hàng không này đã được đánh giá lại năng lực làm việc và mức lương kể từ tháng 1/2020. Các kế hoạch sa thải sẽ tiến hành đến cuối tháng 7 này.
Nhiều nguồn tin nói với Nikkei Asian Review rằng hãng này có thể bán 10% cổ phần. Hiện một nhóm gồm ba công ty đa quốc gia – do tập đoàn SK Corp của Hàn Quốc dẫn đầu – đang quan tâm đến thương vụ AirAsia đề nghị.
Tờ Star của Malaysia nói tập đoàn Hàn Quốc có thể mua mỗi cổ phiếu của AirAsia với giá 1 ringgit. Giá trị thương vụ khoảng 78,4 triệu USD.
“Tất cả các đề nghị đang được ban giám đốc xem xét. Quyết định có thể đưa ra vào tuần sau là sớm nhất”, một nguồn tin nói.
Những nhân viên còn lại của AirAsia sẽ bị giảm lương 15-75%. Fernandes cũng cắt các chi phí AirAsia và vốn hoạt động của toàn bộ các hãng hàng không thuộc tập đoàn. Bản thân ông Fernandes và nhà đồng sáng lập Kamarudin Meranun cũng đồng ý không lãnh lương trong thời gian trung hạn.
“Chi phí các phòng ban đã bị cắt giảm, trong khi việc giảm lương dự kiến sẽ tiến hành đến cuối năm sau. AirAsia chỉ có thể trông đợi tình hình khá lên vào năm 2022”, Nikkei dẫn lời một nguồn tin.
Các khoản vé miễn phí và giảm giá cùng các coupon ăn miễn phí cũng bị cắt giảm.
“Các khoản thưởng, tăng lương và ưu đãi tạm dừng. Hãng chỉ trả lương cơ bản và phụ cấp bay”, nguồn tin nói.
Ngoài việc bán cổ phần, AirAsia thậm chí còn muốn thoái lui khỏi thị trường Nhật Bản và Ấn Độ. “Tính phức tạp của thị trường và chi phí gia tăng trong khi doanh thu lại không tăng đúng mức buộc Fernandes phải tính vậy”, nguồn tin trên nói.
Trong khi đó, Bangkok Post đưa tin Thai AirAsia đang xem xét khả năng sáp nhập với các hãng bay giá rẻ khác ở Thái Lan để sống sót qua cơn dịch. Chính phủ Malaysia cũng dự định bơm thêm trên 350 triệu USD để cứu ba hãng bay đang “ngắc ngứ” ở nước này gồm AirAisa, Malaindo Airways và Malaysia Airlines.
Ricky Hồ (theo TGHN/Nikkei)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này