
14:23 - 20/01/2016
Triệt xe máy: Người sai, lại đè xe ra đánh
Câu chuyện hạn chế xe máy ở Hà Nội và TPHCM một lần nữa lại làm dậy sóng dư luận. Bởi gốc rễ của vấn đề không phải là cái xe mà là con người.
Người sai, lại đè xe ra đánh
Trước áp lực giao thông quá tải tại nhiều đô thị, Chính phủ đã cho phép các thành phố lớn được tự lập phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông công cộng.
“Điều này là hợp lý nếu như các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý đô thị làm đúng quy hoạch; đằng này, nhìn lại lịch sử quản lý đô thị ở hai thành phố vừa nêu, rõ ràng việc hạn chế xe cá nhân là oan. Bởi con người – tức cơ quan quản lý – sai, chứ xe cá nhân không sai”, TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, bình về vấn đề.
Thực tế, ngay từ năm 2003, khi hai đô thị trên bắt đầu đối diện với tình trạng ùn ứ ở khu trung tâm, chính quyền đều đưa ra những giải pháp quy hoạch đô thị làm sao tránh tập trung các cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, trường đại học ở khu trung tâm.
Ở ngoại ô các thành phố cũng quy hoạch hàng loạt vùng đất dự trữ nông nghiệp. Quy hoạch rất hay nhưng cuối cùng người phá vỡ những quy định, quy hoạch trên lại chính là các cơ quan chức năng chứ không phải dân.
Chuyện ùn tắc giao thông ở hai đô thị trên là do có nhiều công trình thi công sai quy hoạch, có quá nhiều khu đô thị tự phát.
Điển hình như ở TPHCM, các vùng đất được quy hoạch dùng để làm đất dự trữ nông nghiệp ở Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, đã vô tư trở thành “đô thị” với hàng loạt nhà trái phép được xây lên. Có nơi bí quá cho hợp thức hoá, có nơi quyết làm mạnh, thành phố chỉ đạo đập (nhưng thực tế cũng chiếu lệ vài trường hợp, còn lại là dần rồi cũng hợp thức hoá được).
“Đất nông nghiệp biến thành đất ở – tức hình thành lên đô thị – thì con người tăng nhanh, xe cộ tăng nhanh là điều dễ thấy. Nếu không có những đô thị hình thành sai phép trước sự ngó lơ hoặc tiếp tay của chính quyền thì làm gì có chuyện kẹt xe ở các cửa ngõ thành phố như hiện nay”, ông Nguyễn Thanh Tâm, quận Phú Nhuận, thẳng thắn bình luận.
Ông Trần Thanh Nguyện, ngụ quận 3, chỉ còn biết lắc đầu: khi TPHCM phê duyệt quy hoạch khu trung tâm cũng như đưa ra quy định hạn chế tối đa cao ốc văn phòng ở khu trung tâm, người dân ai cũng mừng. Giờ thì ai cũng “xìu”. Lý do, là khu quận 3 trong quy hoạch là khu thấp tầng nhưng hiện người ta vẫn cứ vô tư dựng lên cao tầng.
Thắc mắc thì được trả lời là giấy phép có trước quy hoạch. Thiệt là hết biết. “Chuyện cái giấy phép có trước quy hoạch ai cũng biết là “chạy” nhưng đố ai mò ra được sự thật. Hỏi vậy sao không quá tải, không kẹt cứng ở khu trung tâm”, ông Nguyện bức xúc.
Còn ở Hà Nội thì ai cũng thấy việc quản lý đô thị bất cập lộ rõ ra nhất là ở vụ xây vượt tầng của khu toà nhà trên đường Lê Trực, mà báo chí phản ánh y như câu chuyện hài: ai cũng thấy, chính quyền không thấy.
Cũng theo ông Nguyện với cách quản lý quy hoạch, quản lý đô thị hiện tại của TPHCM, dù có hạn chế được xe cá nhân như xe máy chẳng hạn thì các cửa ngõ ở TPHCM hay khu trung tâm cũng không hết kẹt xe. Bởi dân số chính là nguyên nhân mấu chốt. Một điều có thể dễ hiểu, dân số tập trung đông sẽ dẫn đến phương tiện đông.
Xử cán bộ, giãn dân bài bản!
Nhìn con số thống kê về quy hoạch giáo dục ở Hà Nội thì sẽ thấy được bản chất của chuyện kẹt xe.
Cụ thể, trong quy hoạch thủ đô Chính phủ đã nêu rõ, số lượng sinh viên các trường đại học tại trung tâm nội đô giai đoạn từ nay đến năm 2020 chỉ khoảng 30 vạn, nhưng chưa đến năm 2020 mà số lượng này đã là 66 vạn (vượt hơn gấp đôi), đó là chưa nói đến học sinh tại hơn 2.400 trường học trên địa bàn.
Dân số Hà Nội trong năm năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu người (chưa tính dân số vãng lai).
Còn ở TPHCM bây giờ, lượng dân cư tăng nhanh mà các khu công nghiệp, khu chế xuất lại án ngữ ngay cửa ngõ như KCN Tân Bình, khu chế xuất Tân Thuận… không kẹt xe mới lạ.
Theo không ít các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, việc làm cần kíp nhất hiện nay của hai thành phố là phải quyết liệt thực hiện đúng quy hoạch mà địa phương và Trung ương phê duyệt trong việc quản lý đô thị.
Theo đó, cần rà soát lại những khu đô thị hình thành trên đất nông nghiệp để có hướng xử lý rốt ráo. Kế đến là cương quyết không để các cao ốc, chung cư cao tầng xây sai quy định hình thành theo kiểu lỡ xây rồi từ từ hợp thức hoá. Phải đẩy nhanh chuyện di dời các trường đại học ra ngoài khu vực trung tâm (trường nào tiếc thì phải có giải pháp cưỡng chế hữu hiệu).
Phải xử lý nghiêm các cán bộ nhà nước đã cấp phép cho các trung tâm ngoại ngữ, toán học được hình thành ngay các ngã ba, ngã tư, gây ắch tắc giao thông; phải dời ngay các khu công nghiệp, khu chế xuất ra khỏi khu vực các quận….
“Làm được như vậy thì rõ ràng tình trạng kẹt xe sẽ giảm rõ rệt ở các cửa ngõ, giao thông thông thoáng”, ông Nguyên khẳng định.
Giang Thanh – Hải Anh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này