08:05 - 03/03/2016
TPHCM trước cơ hội chưa từng có để đổi mới về văn hoá, thể chế
TPHCM đang có cơ hội và điều kiện để tăng tốc và tự chủ hơn về mọi mặt, qua sự tiếp cận và tiếp nhận những thành tựu mới nhất của nhân loại trong tất cả mọi lĩnh vực.
Trong đó có lẽ quan trọng nhất là sự đổi mới về văn hoá, thể chế, quản lý.
Một nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với TPHCM đang được dự thảo. Theo đó, thành phố sẽ được chủ động hơn về nguồn vốn và mục tiêu ngân sách.
Đặc biệt được chủ động huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có khả năng thu hồi vốn, thành phố có quyền quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc huy động đầu tư theo các hình thức linh hoạt.
Thành phố cũng được quyền quyết định việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại không phụ thuộc vào quy mô viện trợ (riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Có thể nói nếu nghị định nói trên được thông qua, sẽ tạo ra những điều kiện, lợi thế đặc thù và “thoáng” chưa từng có trong lịch sử.
TPHCM hiện có quy mô một siêu đô thị mang tầm cỡ châu lục, với hàng chục triệu công dân đang sinh sống, làm việc. Do tính chất đặc thù, cư dân thành phố luôn ở độ tuổi trẻ về cơ cấu, phần lớn là người dân từ tất cả các vùng miền trên cả nước “nhập cư” vào.
Chính vì vậy, thành phố tạo nên một bản sắc văn hoá vừa đa dạng lại vừa hiện đại, truyền thống. Nơi đây cũng là trung tâm của các hoạt động về tôn giáo, du lịch…
Từ khoảng năm năm trở lại đây, có thể thấy những bộ phim “bom tấn” của kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood, phim mới nhất, tác phẩm văn học nổi tiếng nhất, sản phẩm công nghệ mới nhất… hầu như đều được phát hành, bán ra cùng lúc tại TPHCM và trên thế giới. Một điều thật đáng ngạc nhiên, nói lên tính “đặc biệt” của thành phố!
Do vậy, với vị thế hiện tại, nay nếu được cho phép thông thoáng và chủ động hơn, nếu lãnh đạo thành phố biết vận dụng, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hợp lý, linh hoạt; cũng như biết cách chào mời, trải thảm cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước phương Tây, TPHCM hoàn toàn có thể hướng đến việc nhanh chóng trở thành một trung tâm văn hoá hiện đại, văn minh.
Xét về mặt kinh doanh, thành phố là một thị trường đầy tiềm năng mà bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là trong lĩnh vực văn hoá, đều “thèm muốn”.
Ở tầm vĩ mô, việc tiếp cận và đổi mới về văn hoá còn đồng hành và thúc đẩy đổi mới về kinh tế, thể chế, tư duy và cách thức quản lý của Nhà nước. Việc hội nhập văn hoá phương Tây một cách có chọn lọc và chủ động còn đưa thành phố trở thành nơi thử nghiệm, rút kinh nghiệm trước khi áp dụng trên toàn quốc.
So với các địa phương khác, kể cả Hà Nội, TPHCM có những lợi thế không nơi nào có thể so sánh. Đó là môi trường năng động, ít nhiều vẫn còn ảnh hưởng và duy trì phong cách văn hoá Âu, Mỹ.
Người dân thành phố không quá xa lạ với những sản phẩm văn hoá phương Tây. Có thể lấy thí dụ trong lĩnh vực hoạt động báo chí, nếu như ở miền Bắc vẫn còn nặng về bao cấp, thụ động thì ở TPHCM báo chí phát triển rất mạnh và năng động hơn rất nhiều.
Thiết nghĩ nếu TPHCM phát huy và tận dụng được một cách hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước, thì đây cũng là cơ hội vươn vai Phù Đổng, có thể trở thành một “đặc khu” như mô hình Hong Kong, hay Singapore, là đầu tàu cần thiết và quan trọng cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Để TPHCM tiếp tục là đầu tàu của cả nước, mới đây, trong một hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và bộ Giao thông vận tải, bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đề xuất cần có các cơ chế đặc thù. Ông Đinh La Thăng yêu cầu bộ Giao thông vận tải xem xét đề xuất cho thành phố có cơ chế đặc thù, xây dựng cơ chế đột phá về sự quản lý của Nhà nước cũng như đầu tư phát triển giao thông.
LS Trần Hồng Phong
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này