10:46 - 12/09/2017
TP.HCM tiếp tục áp dụng mô hình trường học mới VNEN
Trong khi nhiều địa phương quyết định dừng triển khai mô hình trường học mới (VNEN) thì TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì mô hình này trong năm học 2017-2018.
Trong công văn “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2017-2018” vừa được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu phòng giáo dục các quận huyện, trường tiểu học tiếp tục triển khai mô hình VNEN, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như căn cứ theo nhu cầu và điều kiện của quận, huyện.
Theo đó, những trường đang thực hiện mô hình VNEN cần đánh giá, tổng kết, điều chỉnh hoạt động, bổ sung các điều kiện để tiếp tục thực hiện mô hình có hiệu quả hơn.
Đối với những trường chưa áp dụng mô hình này, nếu có nhu cầu sẽ thực hiện theo tinh thần tự nguyện. Ngoài ra, trường phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, giáo viên được tập huấn, tham quan, hiểu rõ về mô hình, vận động nhiều tổ chức xã hội khác cùng tham gia cũng như phải trao đổi và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Hiện ở TP.HCM có hơn 60 trường tiểu học áp dụng VNEN.
Mô hình VNEN được áp dụng tại Việt Nam từ năm học 2011-2012 và đang gặp phải nhiều phản đối của giáo viên đứng lớp, phụ huynh có con em theo học tại các trường áp dụng VNEN. Các ý kiến phản đối cho rằng, theo tinh thần của VNEN, học sinh tự học là chính, giáo viên chỉ định hướng và giúp đỡ khi các em có yêu cầu hỗ trợ. Chỉ những học sinh có khả năng tự học cao, có tư duy độc lập, biết tương tác với bạn mới phù hợp học với mô hình này. Nhưng số học sinh có những tố chất này không nhiều trong lớp nên nếu để những học sinh học lực yếu, trung bình tự học theo tinh thần của VNEN, lực học sẽ ngày càng xuống. Kết quả thực tế cũng cho thấy, học lực của không ít học sinh bị ảnh hưởng khi được dạy theo mô hình này. Ngoài ra, mô hình này chỉ phù hợp với những lớp không quá 25 em, trong khi phần lớn các trường hiện nay có sĩ số lớp vượt ngưỡng này.
Ngày 10/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo trong cả nước yêu cầu rà soát, đánh giá tình hình triển khai VNEN. Bộ yêu cầu nếu trường nào đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện; trường chưa đủ điều kiện thì không áp dụng hoàn toàn mô hình VNEN, trước mắt chỉ lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương pháp giáo dục đang thực hiện.
Trong năm học mới 2017-2018, Hà Tĩnh đã quyết định từ chối hoàn toàn mô hình này. Hiện nhiều trường ở Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đã dừng triển khai chương trình trước phản ứng gay gắt của phụ huynh. Trước đó, năm 2016, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ngừng thực hiện VNEN để quay về với mô hình truyền thống.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) lại có cái nhìn tích cực đối với mô hình này. Mới đây, WB đã công bố kết quả đánh giá tác động của VNEN với nhận định: “Sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc… Học sinh VNEN tự tin, sáng tạo hơn, biết quan tâm chia sẻ với người khác”.
Bản đánh giá này đang gây tranh cãi khi kết quả khác với thực tế ở nhiều địa phương trên cả nước.
Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện đầu tiên tại Colombia từ năm 1995-2000.
Đối tượng của mô hình này là trẻ em nông thôn, miền núi học trong các lớp ghép có nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau; sĩ số lớp ít, không quá 25 học sinh/lớp.
Mô hình được các tổ chức và chuyên gia giáo dục từ các nước có nền giáo dục tiên tiến, hỗ trợ và phát triển. Các nước đã áp dụng mô hình EN bao gồm Columbia, Brazil, Cộng hoà Domanica, Ecuador, El Savador, Zambia, Việt Nam. Hiện có khoảng 5 triệu trẻ em toàn cầu đang được dạy học theo mô hình này.
Theo chương trình EN, học sinh đóng vai trò trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng.
Khi về Việt Nam, EN có cải biên so với nguyên gốc và được áp dụng cho cả thành thị lẫn nông thôn. Mô hình VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, với tổng số vốn được phê duyệt là 87,6 triệu đô la Mỹ, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu(GPE) ủy thác qua WB 84,6 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng trong nước 3 triệu đô la Mỹ.
Từ ngày 31/5/2016, dự án đã ngừng được hỗ trợ kinh phí. Trách nhiệm tiếp tục duy trì và phát triển mô hình VNEN thuộc về các địa phương.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bước vào năm học 2017- 2018, số lượng đăng ký triển khai mô hình VNEN ở bậc tiểu học có 4.800 trường tại 58 tỉnh, thành với tỷ lệ 18% tổng số học sinh tham gia; cấp THCS có 1.500 trường ở 51 tỉnh, thành tham gia với tỷ lệ học sinh 13%.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này