22:42 - 19/03/2019
Thông tin thị trường là nhu cầu đầu tiên doanh nghiệp cần hỗ trợ
Ngày 19/3, tại “Hội thảo Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường các nước của ITPC và Kết nối đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị Big C” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC), các doanh nghiệp cho rằng, thông tin thị trường là nhu cầu đầu tiên và rất quan trọng mà doanh nghiệp cần hỗ trợ để hội nhập thị trường thương mại tự do tốt hơn.
Đồng thời, yếu tố giúp doanh nghiệp có cơ sở định hướng đúng sản phẩm và thị trường phù hợp để phát triển hoạt hoạt động xuất khẩu cũng là thông tin thị trường. Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra lực đẩy mới, giúp các doanh nghiệp có thêm cơ sở tăng năng lực sản xuất để xuất khẩu.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Central Group và Big C đã trực tiếp trao đổi thông tin, điều kiện, yêu cầu về chất lượng, quy cách hàng hóa… Từ đó, có những giải pháp thiết thực để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào chuỗi bán lẻ của Central Group và Big C tại Việt Nam và các quốc gia khác.
Các hệ thống siêu thị trong nước và của các tập đoàn nước ngoài được ITPC xác định là một kênh tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp Việt Nam, nên cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị này không chỉ phân phối tại Việt Nam mà còn giúp xuất khẩu hàng Việt Nam đi các nước qua mạng lưới của họ ở nhiều nước.
Chính vì vậy, trong thời gian qua ITPC đã thực hiện được nhiều buổi kết nối cho doanh nghiệp với các hệ thống siêu thị Aeon, Big C, Co.opMart, Co.opXtra, E-mart, Lotte Mart… Trước khi kết nối, doanh nghiệp đều được các hệ thống siêu thị cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hiểu rõ những yêu cầu của kênh bán lẻ hiện đại và xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Cùng với hoạt động kết nối doanh nghiệp với các hệ thống bán lẻ, từ đầu năm 2019, ITPC triển khai thực hiện ấn phẩm “Thông tin thị trường” nhằm cập nhật các nghiên cứu về các thị trường truyền thống như Myanmar, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Đây cũng là những thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt các FTA đã có hiệu lực thực hiện.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư (MIS) là địa chỉ cung cấp thường xuyên các báo cáo chuyên sâu, cập nhật về các thị trường, ngành hàng xuất khẩu trọng điểm mà ITPC thực hiện. Tổng số các thị trường xuất khẩu được nghiên cứu có trên Cổng thông tin tính đến nay là hơn 50 thị trường.
Hiện nay, tập trung thông tin sâu vào từng chuyên ngành, nhất là những ngành hàng có giá trị gia tăng cao và nhiều thị trường tiềm năng nhất. Vấn đề cung cấp thông tin không chỉ là đi tìm người mua cho doanh nghiệp, mà còn là thông tin đánh giá người mua, tiềm năng người mua, thông tin về những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước.
Đặc biệt, là khi các Hiệp định Thương mại tự do đã tháo dỡ nhiều rào cản về thuế, doanh nghiệp có rộng đường xuất khẩu hơn, nhưng thiếu thông tin nhiều khía cạnh thì doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực và sản phẩm tốt đạt tiêu chuẩn cũng khó tiếp cận đến các nhà mua hàng nước ngoài.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này