
20:00 - 19/05/2017
Thiên tai gây thiệt hại gần 40.000 tỉ đồng trong năm 2016
Biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng thời tiết cực đoan năm 2016, gây thiệt hại khoảng gần 40.000 tỉ đồng.

Để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ngoài các giải pháp cứng, cần các giải pháp mềm để người dân thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị về tổng kết chương trình hỗ trợ khẩn cấp hạn hán, xâm nhập mặn dưới sự tài trợ của UNICEF, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UNICEF tổ chức ngày 18/5/2017.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu nhiều tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam xảy ra liên tiếp với cường độ lớn, phạm vi rộng, gây nhiều tổn thất về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Điển hình nhất là năm 2016, thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng gần 40.000 tỉ đồng. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị tổn thương nhiều nhất, thiệt hại một triệu tấn lúa trong vụ Đông Xuân.
Bên cạnh đó, một triệu người thiếu nước sạch ở khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ và vùng nhiễm mặn tại ĐBSCL.
Năm 2016, ngân sách nhà nước đã chi 5.400 tỉ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai; cấp 23.000 tấn gạo cho các vùng bị thiệt hại…
Còn nhớ, hồi giữa tháng 3 năm ngoái, Bộ NN&PTNT đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ ứng phó với đợt hạn mặn được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, và ĐBSCL. Theo đó, nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia hỗ trợ Việt Nam ứng phó khẩn cấp với tình trạng hạn, mặn.
Cùng ngày, tại cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, mọi cấp, mọi ngành, hệ thống chính trị, người dân phải hiểu rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó. Nếu người dân không nhận thức được thì “chúng ta đổ tiền, đổ của vào cũng không đạt kết quả”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nêu ra những khó khăn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu: chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu còn thiếu đồng bộ, thiếu các dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó có việc đánh giá các yếu tố có phải do biến đổi khí hậu gây ra hay không – như tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL.
Phó Thủ tướng đề nghị không chỉ quan tâm công tác ứng phó biến đổi khí hậu như phòng chống mưa, bão mà cần chú ý cả việc thích ứng biến đổi khí hậu như sống chung với tình trạng nhiễm mặn, nước biển dâng, khô hạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong những tháng còn lại của năm 2017, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đến 31-10-2017, báo cáo tình hình thực hiện cho Văn phòng Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ NNPTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, cập nhật, dự báo, đánh giá kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016-2017 tại ĐBSCL cũng như tình hình mưa lũ thời gian tới để có phương án chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng phó, hạn chế thiệt hại.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, ven biển miền Trung tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và các thách thức đối với địa phương mình để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình, khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.
Bộ Ngoại giao trao đổi với các nước thượng nguồn sông Mêkông và thượng nguồn các sông lớn chảy vào Việt Nam để có cơ chế trao đổi thông tin thủy văn về mùa lũ và mùa kiệt để chủ động ứng phó, quản lý.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này