
16:13 - 19/11/2019
Thị trường Myanmar phù hợp với năng lực sản xuất của DN Việt
Myanmar vẫn là một thị trường đầy tiềm năng, rất hấp dẫn và phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng.
TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar đi vào chiều sâu.
Đây là thông tin được ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, tại Hội thảo “Triển vọng của thị trường Myanmar trong giai đoạn hội nhập”, ngày 19/11.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar. Thị trường Myanmar tiềm năng đối với nhiều nhóm mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…
Tính 9 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 708 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 533,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 174,9 triệu USD. Từ năm 2011 đến nay, ITPC đã hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thâm nhập thị trường và phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. Đồng thời, đã liên tục cập nhật thông tin về thị trường, kinh tế, thương mại, thủ tục hành chính, thuế… cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhận định, đầu tư, kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi cho Việt Nam vì sản xuất của Myanmar còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển.
Đặc biệt, thị trường này chưa có rào rản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng là thành viên của ASEAN nên sản phẩm nhập khẩu ưu đãi về thuế trong nội khối và với các đối tác ASEAN; có những nét tương đồng về văn hóa và quá trình, điều kiện để phát triển đất nước. Đặc biệt, những thương hiệu Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng, góp phần tạo nên tâm lý ưa chuộng, có thiện cảm với sản phẩm Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Ngọc Diệp cũng chỉ ra những khó khăn do Myanmar duy trì chế độ cấp phép xuất nhập khẩu; thông quan hàng hóa còn chậm… Bên cạnh đó, đại đa số người dân Myanmar có mức thu nhập thấp, khó để tiếp cận với các sản phẩm chất lượng vừa và cao; thói quen, hành vi mua sắm của người dân chỉ quan tâm đến giá rẻ. Hiện nay, trong chính sách thương mại mới của Myanmar, hiện có 4.613 dòng HS đối với các mặt hàng nhập khẩu (giảm từ 4.818 dòng) và 3.345 dòng HS đối với các mặt hàng xuất khẩu yêu cầu có giấy phép xuất nhập khẩu từ Bộ Thương mại.
Riêng yêu cầu về dãn nhãn hàng hóa, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2019 của Myanmar, đòi hỏi doanh nghiệp cần cung cấp các mô tả ghi nhãn cho hàng hóa bao gồm tên của hàng hóa, kích cỡ, số lượng và số lượng thực tế, hướng dẫn liên quan đến sử dụng và lưu trữ, thông tin về tác dụng phụ hoặc dị ứng, biện pháp phòng ngừa bằng tiếng Myanmar hoặc kết hợp giữa tiếng Myanmar và ngôn ngữ khác hoặc nhiều ngôn ngữ, áp dụng kể từ 15/3/2020.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc tiếp cận thị trường Myanmar là doanh nghiệp đảm bảo tìm hiểu kỹ thông tin và lường trước các vấn đề phát sinh; kiên trì, bền bỉ và xác định dài hạn; chuyên nghiệp; trực tiếp (gặp mặt trực tiếp, giới thiệu hàng mẫu). Cùng với đó, khi tiếp cận thị trường này, đơn vị xuất nhập khẩu phải hiểu và tôn trọng văn hóa, tập quán của Myanmar; lựa chọn đối tác bản địa phù hợp và có năng lực, thiện chí hợp tác; kiểm soát được điều kiện thanh toán và quản lý tiền hàng.
Nhân Phương (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Trị người nhưng phải sửa mình
Cục phát điện bỏ túi chạy bằng nước và muối
Walmart bị cáo buộc phân biệt đối xử với các nữ nhân viên
‘Chặt chém’ du khách, tài xế taxi Thái Lan bị cấm hành nghề suốt đời tại sân bay
Canada áp mức thuế quan đặc biệt với hai loại thép nhập khẩu
Tags:Thị trường Myanmar
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này