15:21 - 09/12/2019
Thái Lan hỗ trợ SME mở rộng kinh doanh ở nước ngoài
Liên đoàn Công nghiệp (FTI) và Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã nhất trí đưa ra các biện pháp mới để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của nước này mở rộng kinh doanh ở nước ngoài.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, hai cơ quan trên sẽ lựa chọn 50 doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh từ năm lĩnh vực công nghiệp: phụ tùng ô tô, cao su, thực phẩm và thực phẩm chế biến, thiết bị gia đình và thiết bị điện tử, và đồ nội thất để tham gia dự án trên. Các doanh nghiệp được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực phát triển cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch FTI Kriangkrai Tiannukul cho biết biện pháp là một dự án thử nghiệm nhằm hỗ trợ về tài chính, nghiệp vụ thị trường (marketing) và pháp lý cho các SME Thái Lan đầu tư ở nước ngoài. Ông Kriangkrai khẳng định “chúng tôi phải lắng nghe và thấu hiểu những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình kinh doanh ở các thị trường nước ngoài. FTI và Ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ SME, cung cấp kiến thức quản trị tài chính và chiến lược đi vào các thị trường nước ngoài đã xác định”.
Ông Kriandkrai cho biết 50 doanh nghiệp được lựa chọn phải nâng cao giá trị xuất khẩu hàng năm theo các biện pháp trong chương trình trên. FTI và BoT cũng đã có kế hoạch mở rộng dự án SME để cho phép nhiều công ty hơn nữa tham gia trong tương lai.
Trong thời gian vừa qua, việc mở rộng kinh doanh ở các thị trường quốc tế của nhiều doanh nghiệp Thái Lan bị hạn chế xuất phát từ những khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại. Ông Kriangkrai cho biết “BoT dự định thảo luận với các ngân hàng thương mại nước này về các biện pháp tài chính đặc biệt nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các SME ở nước ngoài.
Các SME Thái Lan có nhu cầu tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp, nhưng ngân hàng thương mại có rất nhiều quy định hạn chế làm cho SME phải từ bỏ những dự án kinh doanh ở nước ngoài”.
Theo ông Kriangkrai, các doanh nghiệp SME của nước này đang bị ảnh hưởng bởi đồng baht mạnh, trong khi năng lực cạnh tranh của họ ngày càng bị xói mòn so với các doanh nghiệp lớn.
Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ SME theo chiến lược kinh tế Thái Lan 4.0, bởi vì đây là nhóm doanh nghiệp có số lượng lớn và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Ông Kriangkrai rất kỳ vọng BoT sẽ nhận thức được vấn đề của đồng nội tệ và đưa ra các giải pháp mới nhằm hỗ trợ SME.
Theo TTXVN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này