12:36 - 07/12/2023
Sức ép gia tăng lên COP28
Cơ quan Giám sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/12 nhận định năm 2023 đang trên đường trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận sau khi tháng 11 trở thành tháng thứ 6 liên tiếp trong năm phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.
Các nhà khoa học của C3S cho biết nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu trong tháng 11/2023 là 14,22 độ C. Con số này cao hơn 0,32 độ C so với kỷ lục hồi tháng 11/2020.
Nó cũng cao hơn 0,85 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 11 trong giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đáng chú ý, tháng trước có 2 ngày nóng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cũng theo C3S, 11 tháng đầu năm nay nóng hơn 0,13 độ C so với cùng kỳ năm 2016, năm nóng nhất được ghi nhận. Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc C3S, cho biết đã có 6 tháng và 2 mùa phá kỷ lục về nhiệt độ cao trong năm 2023.
Theo bà, nhiệt độ bất thường trên toàn cầu trong tháng 11 đồng nghĩa năm nay là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Trước đó, theo một số nhà khoa học, dữ liệu về lõi băng và vòng gỗ cho thấy 2023 có thể là năm nóng nhất trong hơn 100.000 năm.
Một ngày trước khi C3S đưa ra thông tin đáng lo nói trên, một báo cáo mới của một nhóm hơn 100 nhà khoa học quốc tế cho biết lượng khí thải CO2 toàn cầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023.
Theo báo cáo, các nước trên thế giới dự kiến thải tổng cộng 36,8 tỉ tấn CO2 từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Một xu hướng đáng lo khác là việc sử dụng than và dầu khí dự kiến cũng cao hơn năm ngoái. Theo Reuters, diễn biến này khiến biến đổi khí hậu thêm nghiêm trọng và hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên khốc liệt hơn.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng nêu bật một số diễn biến tích cực, như lượng khí thải tại Mỹ và EU đều giảm. Tính chung, có 26 quốc gia (chiếm 28% lượng khí thải toàn cầu) ghi nhận lượng khí thải giảm. Hầu hết quốc gia này ở châu Âu.
EU hiện có chính sách chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng khi đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 so với mức vào năm 1990, cũng như đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một loạt thông tin trên đang gây thêm sức ép lên các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại TP Dubai – Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tại hội nghị này, các nhà đàm phán của gần 200 nước đang tranh luận về dự thảo thỏa thuận nhằm ngăn hiện tượng toàn cầu ấm dần. Một nội dung được thảo luận nhiều là số phận của dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Ông Carlo Bountempo, Giám đốc C3S, nhận định nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục gia tăng, nhiệt độ cũng sẽ tăng cùng với tác động gia tăng của nắng nóng và hạn hán. Theo chuyên gia này, việc đạt được phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt là phương thức quản lý rủi ro khí hậu hiệu quả.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này