15:37 - 28/11/2017
Sự sụp đổ của ngành chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc
Sự bùng nổ xe đạp của Trung Quốc đã mang hàng triệu xe đạp mới lên đường phố tại các thành phố chủ yếu được thiết kế cho ôtô.
Điều này đang gây ra nhiều vấn đề ở một quốc gia trước đây được gọi là “vương quốc của xe đạp”.
Trung Quốc hiện nay có khoảng 40 công ty chia sẻ xe đạp, trong đó các ứng dụng điện thoại thông minh cho phép mọi người tiếp cận mạng lưới xe đạp chỉ với 1 Nhân dân tệ/giờ. Các khoản phí được thanh toán qua ví điện tử và thiết bị theo dõi GPS trên xe đạp có nghĩa là người dùng có thể để xe bất cứ nơi nào sau khi kết thúc chuyến đi.
Theo Reuters, nhà khai thác lớn nhất – Ofo có 2,2 triệu xe đạp tại 43 thành phố đại lục. Mobike – công ty lớn thứ 2, chính thức ra mắt dịch vụ đầu tiên của mình ở Thượng Hải chỉ cách đây một năm, và hiện có hơn 1 triệu xe đạp ở 33 thành phố, và dự kiến sẽ mở rộng đến hơn 100 thành phố trong nước và nước ngoài vào cuối năm nay.
Mặc dù ứng dụng chia sẻ xe đạp thuận tiện cho người sử dụng nhưng ngành công nghiệp này đang gây ra những cơn đau đầu hàng ngày cho nhiều chính quyền địa phương và đặt ra nghi ngờ về sự bền vững của mô hình kinh doanh này.
Độc quyền và áp lực tài chính
Ở tốp đầu với tổng thị phần 95% là Mobike và Ofo. Các công ty này có trụ sở tại Bắc Kinh có giá trị hơn 1 tỷ USD, hoàn toàn áp đảo trong một lĩnh vực với rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.
“Dùng chung xe đạp là một ngành công nghiệp nặng về tài sản. Khi các nhà đầu tư ngày càng thận trọng và hợp lý hơn về khoản đầu tư của mình, một sự sáp nhập hoặc mua lại kịp thời có thể là cơ hội duy nhất cho những người chơi nhỏ hơn tồn tại” – Shi Rui, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn iResearch cho biết.
Các công ty chia sẻ xe đạp nhỏ đã phải chịu áp lực lớn về tài chính khi người dùng xe đạp đã nhanh chóng nộp đơn xin hoàn lại tiền đặt cọc sau khi kết thúc chuyến đi, dẫn đến các vấn đề về dòng tiền.
Wukong Bike đã phải đóng cửa chỉ sau 5 tháng hoạt động, với việc thua lỗ gần 150.000 USD. Những công ty nhỏ khác trong các thành phố của Trung Quốc cũng đã báo cáo những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài chính mới.
Tuần trước, Bluegogo – công ty có trụ sở tại Thiên Tân đã phá sản vì thiếu tiền mặt. Sự phá sản của Bluegogo đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc, giữa những lo ngại rằng có quá nhiều xe đạp và không đủ nhu cầu. Trong một bức thư ngỏ xin lỗi vì những sai lầm của mình, giám đốc điều hành của Bluegogo nói ông đã “đầy kiêu ngạo”.
“Bất kể ý tưởng dùng chung hấp dẫn đến mức nào sẽ luôn kết thúc bằng một trò chơi độc quyền tập đoàn (oligopoly). Vị trí thống trị của Mobike và Ofo là không thể lay chuyển được” – Shi cho biết.
Thêm vào đó, không công ty nào có thể kiếm được tiền bằng cách cho thuê những chiếc xe đạp 400 USD với giá vài xu mỗi giờ trong khi ngày càng có nhiều xe đạp hơn trong các thành phố. Sự sụp đổ của Bluegogo sẽ không phải là cuối cùng; tất cả những công ty nhỏ đều đối mặt với cùng một vấn đề.
Ofo và Mobike vẫn hoạt động tốt vì được hỗ trợ bởi một số nhà tài trợ lớn nhất và hào phóng nhất thế giới. Tuy nhiên, áp lực lợi nhuận đang tăng lên, khiến hai công ty gần đây đã phải đàm phán về việc sáp nhập. Điều đó sẽ cho chính phủ Trung Quốc thứ mà họ muốn – một công ty duy nhất để quản lý. Nhưng đồng thời, điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến các thành phố nhỏ hơn, những nơi khó hưởng lợi từ kinh tế quy mô và giá sử dụng xe đạp cao hơn – ví dụ như Thượng Hải.
Thành phố không được thiết kế cho xe đạp
Một trong những vấn đề chưa có lời giải đáp là việc đỗ xe bất hợp pháp, và một số chuyên gia nói rằng phần lớn là do nhiều thành phố không được thiết kế để thân thiện với xe đạp. Số lượng lớn xe đạp cần thiết để mô hình này có hiệu quả đã trở thành một vấn đề gây phiền nhiễu công cộng, tắc nghẽn vỉa hè, đường xá và lối vào, và buộc các chính phủ trên khắp Trung Quốc phải hạn chế tăng trưởng. Nhiều chiếc xe đạp đã bị bỏ rơi trong những ngõ hẻm và về cơ bản trở thành rác thải của thành phố.
Yang Fengchun, một phó giáo sư tại trường Đại học Bắc Kinh cho biết, những đống xe đạp được đổ bên ngoài các ga tàu điện ngầm giờ đây đã trở nên phổ biến vì nhiều nhà quy hoạch thành phố chưa bao giờ nghĩ đến việc bao gồm các khu đỗ xe gần đó.
“Từ khoảng 20 năm trước, Trung Quốc đã biến ngành công nghiệp ôtô của mình thành một ngành công nghiệp trụ cột”, ông nói. “Vì vậy, bạn nhìn thấy các thành phố Trung Quốc hiện nay được xây dựng cho sự tiện lợi của ôtô. Các thành phố này không thân thiện với xe đạp”.
Ông nói “các thành phố mới” xuất hiện trong thập kỷ vừa qua do sự đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự tràn lan các xe đạp dùng chung vì các nhà quy hoạch đô thị của họ chỉ thiết kế mạng lưới đường bộ cho lợi ích của lái xe ôtô.
“Không có đủ vỉa hè và làn xe đạp”, ông nói, “Ngay cả ở nhiều khu phố cao cấp, nơi vỉa hè được xây dựng, chúng được xây dựng với sự hy sinh của làn đường dành cho xe đạp”.
Sử dụng không đúng cách
Tình trạng phá hoại xe, trộm cắp, trẻ em không đủ tuổi vẫn có thể sử dụng xe đang trở nên phổ biến, bên cạnh việc đỗ và để xe bất hợp pháp và không đúng chỗ. Các công ty đối phó bằng cách thưởng cho người dùng báo cáo về vấn đề này bằng điểm trên ứng dụng.
Một nhóm “thợ săn xe đạp” như vậy gần đây đã kiểm tra 983 chiếc xe đạp Ofo ở sáu thành phố – Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Vũ Hán và Thành Đô – và phát hiện ra 19% bị hư hỏng, 15% bị mở khóa, 12% bị lấy cắp để sử dụng cho mục đích cá nhân và 2% do trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng.
Các phương tiện truyền thông nhà nước đã đưa tin về một trung tâm sửa chữa xe đạp ở Bắc Kinh hiện đang nhận được hơn 400 chiếc xe đạp bị hỏng mỗi ngày, với số lượng hơn 4.000 xe đạp đang chờ sửa chữa.
“Tài sản công cộng được xem là không có chủ sở hữu”, Yunxiang Yan, chuyên gia nhân học, giám đốc. Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của UCLA, cho biết. “Vì vậy mọi người tin rằng họ có thể lợi dụng chúng”.
Các chính quyền địa phương đã chậm chạp trong việc tìm ra các biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề gây ra bởi xe đạp dùng chung và cần phải làm các thành phố thân thiện hơn với xe đạp nếu muốn ngành công nghiệp này thành công.
“Các thành phố muốn triển khai dịch vụ chia sẻ xe đạp dockless vì chúng thực sự giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông”, Yang cho biết, đồng thời cảnh báo rằng các chương trình như vậy có thể “sớm gặp phải sự phản kháng từ ngành công nghiệp ôtô”.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này