18:42 - 14/10/2016
Những con hẻm nhỏ càng nhỏ hơn
Một cách công tâm, cuộc sống tấp nập và vội vã khiến người dân thành phố thấy tiện ở đâu thì mua thực phẩm hàng hoá ở đấy, thế nên các bà các mẹ nội trợ vẫn giữ nếp xưa nay là đi chợ mua ở các chợ cóc cho tiện, dù có thỉnh thoảng vào siêu thị.
Và chợ chiều là một thói quen trong văn hoá của người Việt từ xưa tới nay.
Vì thế mà từng mét vuông của cả con đường lớn nhỏ, từng khoảng nhỏ của từng con hẻm đều được người dân tận dụng để buôn bán.
Hàng hoá có thứ được lấy từ chợ đầu mối Thủ Đức hay Bình Điền về, có thứ được gọi là “cây nhà lá vườn”… không biết đem ở đâu về bán trước cửa nhà. Hình thức buôn bán nhỏ lẻ như trên không có thể làm giàu nhưng lại bổ sung không nhỏ cho thu nhập gia đình khó khăn.
Trong đợt tiếp xúc cử tri của một đại biểu tại phường 15, quận Bình Thạnh, có một bà cụ đã 68 tuổi bán bánh mì, đã đứng lên nói rằng: “Chúng tôi biết việc lấn chiếm buôn bán không gian công cộng là không đúng, là vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi không thể làm được gì ở độ tuổi này, cũng như nhiều người dân buôn thúng bán bưng khác khi di cư, tha phương bỏ lại con cái quê nhà, họ không được đào tạo hỗ trợ nghề, không có kỹ năng, nên họ làm liều để có miếng ăn chứ không thể hiểu hết quy hoạch phát triển thành phố gì cả”.
Nói đến đây bà cụ nghẹn ngào, có chút nấc nhẹ, rồi tiếp tục: “Nếu muốn thành phố đẹp hơn hãy dẹp các cá thể kinh doanh mà họ chiếm trọn vỉa hè cả ngày lẫn đêm để buôn bán. Họ mới là đối tượng gây nên cảnh xấu xí của vỉa hè thành phố.
“Họ buôn bán tràn lan, tạo ra những khu ăn uống xô bồ, mất trật tự, xả rác… thì không thấy bị sao cả. Còn chúng tôi bán bánh mì chỉ đặt cái xe nhỏ xíu chưa đầy một mét vuông, để tranh thủ chút thời gian buổi sáng bán bánh mì cho người lao động.
“Còn mấy chị buôn bán gồng gánh lang thang hết chỗ này qua chỗ khác thì các ông trật tự xua đuổi và giật lấy đồ dùng như tội phạm bị trấn áp…”
Đó là những tâm sự rất thật của một công dân nghèo thành phố. Họ biết việc họ làm là vi phạm pháp luật, làm cho những con hẻm nhỏ lại càng nhỏ và chật chội thêm, mà đôi khi chính họ cũng nổi đoá chửi thề vì những lúc mắc kẹt trong mớ hỗn độn trong con hẻm nhà mình và những người cũng kiếm sống như mình.
Nhiều lúc họ cũng muốn cải thiện sự chật chội đó nhưng họ biết làm gì để sống, biết làm gì có nguồn thu nhập nho nhỏ hàng ngày nuôi gia đình!
Rồi họ mặc kệ, sống chung với điều đó. Và những con hẻm nhỏ ngày càng nhỏ hơn, những số phận nhỏ bé ngày càng hẩm hiu hơn, là vậy.
Nguyễn Minh Thanh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này