11:14 - 26/10/2017
Ngập ở Bangkok: Vấn đề không hẳn do cống thoát nước
Tuần trước Bangkok bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt khiến người ta bị ám ảnh trở lại bởi trận đại lụt năm 2011.
Bất chấp các lời trấn an của Thủ tướng Chan-o-cha cho rằng trận lụt cỡ năm 2011 sẽ không xảy ra nữa, người dân vẫn cảm thấy không thực sự an toàn.
Lời lẽ của ngài thủ tướng giống như một điều ước. Thủ tướng thậm chí còn lặp lại những lời lẽ đáng hổ thẹn của người mà ông đã đưa ra khỏi vị trí, cựu thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra: những ai nghĩ không thể sống chung với lũ nên tính cách rời bỏ thủ đô.
Đặt lại vấn đề thoát nước
Phản ứng của chính quyền thành phố không mạnh. Như lệ thường, các quan chức thành phố đổi thừa cho thiên tai, cho rằng những cơn mưa to tuần qua là “cơn mưa to nhất trong ba thập kỷ”. Thị trưởng Bangkok Aswin Kwanmuang chỉ ra rằng các đường cống của thành phố quá nhỏ, và đầu tuần này đã ra lệnh cho các cơ quan phụ trách điều tra 6.000km đường ống trong thành phố để xác định đường ống nào cần nâng cấp. Ông thị trưởng không giả định rằng thành phố đã làm điều đó trước mùa mưa?
Thực sự là các hệ thống thoát nước ngầm ở Bangkok không đủ để ứng phó với lũ lớn. Tuy nhiên, ta ngạc nhiên thắc mắc liệu rồi kế hoạch giải quyết lũ của Bangkok dựa trên kỹ thuật có cứu dân được không. Có ý kiến cho rằng vấn đề của Bangkok vượt quá hệ thống thoát nước. Vấn đề lớn hơn là môi trường tự nhiên được sử dụng để giúp chúng ta chống lũ tốt hơn, đã không còn nữa trong quá trình đô thị hóa rộng lớn.
Nhớ lại giùm coi ngài thị trưởng, chúng ta đã có những cơn mưa to như thế trước đó. Tuy nhiên hệ sinh thái của Bangkok từ đầu là một phần của đồng bằng thấp trũng, có thể đương đầu với lũ khi nước thoát một cách tự nhiên. Hiện nay nhiều nơi trong các khu vực này, có đất rỗng để hút nước lũ, đã bị thay thế bởi các bề mặt bêtông và khó mà thoát nước. Các đồn điền trái cây và rau cần nước đã biến mất, trong khi bất động sản, chung cư, và hệ thống đường sá tiếp tục mở rộng.
Một vấn đề khác đang nổi lên là lượng rác thải ngày càng tăng làm tắc nghẽn các kinh rạch và hệ thống thoát nước. Cuối tuần rồi, nhiều người bị sốc khi thấy một khối lớn rác tràn ra từ một ống cống trên đường Sukhumvit ở khu trung tâm thương mại.
Rác làm ngập nặng thêm
Trong trận lũ năm 2015, cả thảy có 10 tấn rác làm tê liệt hạ tầng thoát lũ của thành phố. Và có nhiều loại rác, từ bao xốp, bao nhựa, ghế sofa và thậm chí còn có cả một cái bình đất nung khổng lồ. Số rác ấy đã phá huỷ một trong mười tuốc bin của hệ thống thoát lũ chính của thành phố. Thời điểm này, có ý kiến cho rằng nâng cấp hạ tầng, một dự án tốn kém, có thể không cải thiện tình hình nếu chúng ta không khắc phục được rác chắc chắn sẽ chảy theo nước và làm nghẽn kênh thoát.
Bangkok cần các biện pháp đồng bộ để chống lũ. Thành phố nên đưa ra kế hoạch tạo vệ tinh và buộc các nhà phát triển xây dựng thêm không gian xanh, hoặc thậm chí giữ lại các ao để đối phó với lũ. Thực tế, chính quyền thành phố có một hồ tự nhiên để chứa nước tuyệt vời có tên là Rama IX ngay giữa trung tâm, một sáng kiến của cố quốc vương Bhumibol. Đức vua đã khuyến khích sử dụng tự nhiên, các hồ tự nhiên và các kinh tự nhiên, để đối phó với lũ.
Với chuyện rác, giải pháp, theo các chuyên gia, không phải thuê thêm nhiều nhà thầu rác nữa hoặc mua thêm các xe chở rác. Đã đến lúc chính phủ và ngay cả chính quyền thành phố nghĩ đến những phương thức hiệu quả để giảm rác. Một trong những giải pháp là đánh thuế bao bì để buộc những người tiêu dùng phải chi trả tiền rác bao bì họ đã mua. Luật về rác bao bì đã nằm 20 năm trên kệ là quá lâu. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng là, đã đến lúc thành phố hiện đại hoá hệ thống gom rác cho hiệu quả hơn. Cần nâng phí gom rác và khôi phục lại chiến dịch giảm rác do các thị trưởng tiền nhiệm khởi xướng.
Không có những biện pháp đó, Bangkok chỉ có thể có được một cơ sở kỹ thuật gồm những đường cống lớn hơn, bị nghẽn vì rác, và những trận ngập lớn.
Trần Bích
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này