21:31 - 31/08/2017
Năng lượng tái tạo sao khó hoà lưới điện quốc gia?
Câu chuyện về năng lượng suốt hai ngày 24 và 25/8 “tự nhiên” kết nối với CHLB Đức, nơi đã lắp đặt hơn 50.000 hệ thống pin PV. Giá của các hệ thống lưu trữ lithium đã giảm gần 40% kể từ năm 2013. Đó là những thành tố then chốt của “lưới điện thông minh” trong tương lai.
Điều quan trọng là việc tích hợp ở mức độ cao hơn vào hệ thống điện sẽ đòi hỏi những cải thiện có tính hệ thống, bao gồm việc áp dụng các hệ thống kết nối đa tầng, quản lý nhu cầu và cuối cùng là lưu trữ điện năng.
Lãng phí nguyên liệu
Tại Việt Nam, lợi thế hiếm có đang bị lãng phí. Tiềm năng gió ở Việt Nam là 50GW, khả thi là 27GW (so với thuỷ điện Hoà Bình 1GW). Giờ nắng trong năm ở miền Bắc 1,5 – 1,7 ngàn giờ, miền Trung và Nam khoảng 2 – 2,6 ngàn. Bức xạ mặt trời từ vĩ tuyến 17 trở vào nhiều và ổn định, chỉ giảm khoảng 20% vào mùa mưa. Chưa kể nguồn NLTT từ rác thải cả nước khoảng 20 triệu tấn, trong đó rác sinh hoạt chiếm 85%, chủ yếu ở đô thị. Nếu kể cả năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối (rơm, trấu, cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, v.v.), năng lượng sóng biển đang cần công nghệ thích hợp để khai thác, thì đây là nguồn năng lượng hết sức lớn.
Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng dù có tiềm năng lớn nhưng NLTT ở Việt Nam kém phát triển. Tại TP Cần Thơ, liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và GrenID đã tổ chức tuần lễ NLTT và đưa ra triển vọng: chi phí lắp đặt cho một hộ từ 6 – 15 triệu đồng/hộ tuỳ theo nhu cầu sử dụng điện.
Đó là triển vọng cho dân vùng xa, vùng sâu, hải đảo và những cù lao?
Đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cơn say điện than và quyền lợi nhập khẩu than không bị đánh thuế như xăng dầu, khiến các nguồn NLTT bị lu mờ. Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp: đó là cạnh tranh không bình đẳng và chưa khuyến khích phát triển NLTT. Năng lượng mặt trời kết hợp với năng lượng gió cho từng khu dân cư hay thuỷ điện siêu nhỏ, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội của vùng sâu, vùng xa, biển đảo và đồng bào dân tộc, nơi điện lưới chưa thể vươn tới và giá quá đắt.
TS Sebastian Helgenberger, viện Nghiên cứu cao cấp về phát triển bền vững (IASS), cho rằng NLTT tạo ra nhiều việc là hơn điện than khi được hỗ trợ bởi chính sách hiệu quả và với sự liên kết của nhiều ngành như năng lượng, đầu tư, an sinh xã hội, nghiên cứu, giáo dục. Cần đánh giá và tập huấn chuyên sâu với mỗi quốc gia gia có thể hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đạt được những mục tiêu cho phát triển NLTT.
Tại Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động thúc đẩy những lợi ích về kinh tế – xã hội của NLTT.
“Lưỡi gươm” điện than treo lơ lửng
“Tro bay và xỉ than ở những nhà máy nhiện điện sẽ xử lý như thế nào? Chính phủ giao nhiều bộ lo chuyện này nhưng tới năm 2018 mới báo cáo, địa phương tụi tui chết”, ông Nguyễn Trung Hoàng, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nói. Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải có bốn nhà máy, một nhà máy một năm thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ than, nên phải làm những bãi chứa trên 30ha. Qua nhiều năm sẽ có những núi tro xỉ, bụi bay phát tán sẽ ảnh hưởng tới môi trường và người dân rất nhiều.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3/2016: tới năm 2030, nhiệt điện than chiếm 42,6% về công suất và 53,2% về điện lượng và điện từ NLTT tăng lên 21% (khoảng 27.200MW) về công suất và 10,7% về điện lượng (khoảng 61 tỉ kWh). Sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than hoạt động ở ĐBSCL, công suất các nhà máy này hơn 14.388MW. Đáng lo hơn khi hầu hết nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than đá, nhập khẩu từ Úc hoặc Indonesia, giá điện không thể rẻ.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường ĐH Cần Thơ, cho rằng các dự án về NLTT gặp rào cản lớn do chưa có cơ chế sòng phẳng cho NLTT hoà lưới điện quốc gia.
Ngọc Bích
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này