
22:50 - 21/11/2018
Myanmar là quốc gia ít phát triển thu hút nhiều FDI nhất
Myanmar thu hút nhiều đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hơn mọi “quốc gia ít phát triển” trên thế giới trong năm 2017, bất chấp việc hình ảnh của Naypyidaw bị ảnh hưởng liên quan đến cuộc khủng hoảng tị nạn người Rohingya Hồi giáo.
Theo báo cáo từ Hội đồng về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, trong năm 2017, Myanmar nhận 4,3 tỷ USD vốn FDI, đứng đầu nhóm 47 quốc gia “ít phát triển” (LDC). Vị trí thứ 2 là Ethiopia. Campuchia và Bangladesh lần lượt xếp thứ 3 và thứ 5.
Dù vậy, Myanmar vẫn còn đang bị các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia bỏ xa.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy FDI năm 2017 của Campuchia là gần 2,8 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với 7 năm trước, trong khi FDI của Bangladesh là 2,15 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với năm 2016, phần nào do sự chậm chạp trong đa dạng hóa ngành dệt may – vốn giữ vai trò quan trọng tại nước này.
Tiêu chí xếp hạng quốc gia vào LDC là thu nhập trung bình của nước đó dưới 1.230 USD/năm, khiến những ngành lương thấp như dệt may và giày dép trở thành lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu then chốt. 31 trong 47 LDC ở châu Phi, ngoài ra còn có Afghanistan, Bhutan, Đông Timor, Lào, Nepal và Yemen.
Trung Quốc và Hong Kong chiếm 36% tổng lượng đầu tư vào Myanmar kể từ năm 1988, theo số liệu thống kê của Myanmar.
Khoảng một nửa tổng đầu tư vào Myanmar trong 30 năm qua là vào dầu mỏ, khí đốt và các ngành khai khoáng, 17% vào ngành viễn thông liên lạc, chỉ hơn 10% vào sản xuất. Năm 2017, tỷ lệ vốn vào hai ngành viễn thông liên lạc và sản xuất lần lượt là 30% và 18%.
Đầu tư vào Myanmar tăng hơn 45% trong năm 2017, gấp 3 lần tăng trưởng FDI vào Campuchia. Trung Quốc giảm đầu tư vào Lào khiến FDI của quốc gia Đông Nam Á giảm năm thứ hai liên tiếp. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia và Bangladesh trong năm 2017.
Với một số dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, các LDC ở châu Á dễ bị cuốn vào quỹ đạo kinh tế của Băc Kinh thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tuy nhiên, với việc Mỹ muốn thách thức BRI trong khi tăng thuế với hàng Trung Quốc nhập khẩu, các quốc gia châu Á nhỏ hơn, thu nhập thấp có thể hưởng lợi khi các công ty nước ngoài tái cân nhắc về sự hiện diện của họ tại Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc và Mỹ bắt đầu một cuộc chiến về đầu tư hạ tầng ở châu Á, FDI cũng chảy nhiều hơn vào các LDC trong khu vực.
Báo cáo nhận định ba quốc gia, gồm Bangladesh, Lào và Myanmar sẽ “tốt nghiệp” LDC trong những năm tới. Campuchia, với GDP bình quân đầu người hơn 1.300 USD, cũng vươn lên.
Thăng hạng cũng đi cùng một cái giá phải trả. WB trong năm 2017 cảnh báo nếu Campuchia được thăng hạng, quá trình này “sẽ giảm tiến triển trong tài trợ tài chính và làm xói mòn các ưu đãi về thương mại”.
Campuchia và Myanmar sẽ cùng đánh mất ưu tiên tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) trước khi thoát khỏi LDC, khiến họ mất đi sức hút đầu tư. EU đã dọa xóa bỏ điều kiện hưởng ưu đãi liên quan việc Campuchia xử lý đảng đối lập và cuộc khủng hoảng tị nạn người Rohingya ở Myanmar.
Đầu tư nước ngoài vào Myanmar và Campuchia vẫn còn kém xa các quốc gia phát triển tốt hơn ở ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan. Những quốc gia này lần lượt nhận FDI 23,1 tỷ USD, 14 tỷ USD, 10 tỷ USD và 9,1 tỷ USD trong năm 2017, theo Báo cáo Đầu tư ASEAN năm 2018.
Theo Người Đồng Hành
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này