10:22 - 10/04/2017
Myanmar đau đầu với đập thủy điện Trung Quốc
Myitsone – dự án đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc tại Myanmar – đang có nguy cơ bị khai tử do vấp phải sự phản đối dữ dội từ người dân. Nhưng, đối với các nhà lãnh đạo Myanamar, nói “không” với Trung Quốc chẳng phải dễ dàng.
Tiến thoái lưỡng nan
Bà Daw Kaw Bu đã chờ đợi suốt sáu năm qua ngày trở về ngôi làng mà bà buộc phải chuyển đi để nhường chỗ cho đập thủy điện Myitsone. Con đập này đến nay đang được xây dựng dở dang và bị đình chỉ vì gây tranh cãi.
Ngồi bên ngoài căn nhà gỗ tái định cư ở Aung Myin Tha, bà Kaw Bu nói với phóng viên The New York Times: “Tôi chỉ cầu trời khấn Phật để mong được trở lại làm ăn trên mảnh đất của mình”.
Bà Kaw Bu có thể sẽ sớm nhận được câu trả lời. Chính phủ do đảng của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã thành lập một ủy ban đặc biệt để đưa ra đề xuất quyết định số phận đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ đô la Mỹ, do Trung Quốc đầu tư.
Quyết định này được cho là một thử thách khó khăn đối với nhà lãnh đạo Myanmar. Nếu hủy bỏ dự án, bà Aung San Suu Kyi có nguy cơ chọc giận Bắc Kinh, thế lực kinh tế lớn ở khu vực. Ngược lại, nếu cho phép tiếp tục dự án, bà sẽ thổi bùng sự giận dữ của người dân.
Các nhà phân tích cho rằng, báo cáo của ủy ban sẽ tạo căn cứ chính trị để bà Aung San Suu Kyi loại bỏ dự án mà bà miễn cưỡng thừa hưởng từ chính phủ quân sự trước đây. Nhưng việc thoát khỏi thỏa thuận sẽ rất khó khăn. Nếu hủy bỏ hoàn toàn dự án, Myanmar sẽ phải hoàn trả số tiền khoảng 800 triệu đô la mà các nhà đầu tư Trung Quốc cho biết họ đã chi ra.
Nếu chính phủ đổi cho Trung Quốc các dự án thủy điện ở nơi khác thì lại có thể ảnh hưởng đến các khu vực sắc tộc đang tranh chấp, đe dọa các cuộc đàm phán hòa bình mà bà Aung San Suu Kyi đang nỗ lực thực thi kể từ khi đảng chính trị của bà lên nắm quyền năm ngoái.
Yun Sun, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Myanmar tại Trung tâm Stimson, cơ quan tư vấn có trụ sở ở Washington, cho biết: “Nếu Aung San Suu Kyi là nhà lãnh đạo đúng như bà ấy từng tuyên bố, tôi nghĩ bà nên hủy bỏ dự án. Nhưng sau đó bà sẽ phải giải quyết bằng cách nào đó đối với khoản đầu tư trị giá 800 triệu đô la đã giải ngân. Không thể quét dọn thảm mà không đưa cho Trung Quốc một cái gì đó…”.
Đập Myitsone được khởi công cuối năm 2009, dự kiến hoành thành vào năm 2017, với công suất 6.000 MW, cung cấp sản lượng điện mỗi năm 16,634 GWh. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch thì đây là đập thủy điện lớn thứ 15 trên thế giới. Theo thiết kế, lòng hồ của đập rộng khoảng 1.214 ki lô mét vuông. Dự án này khiến cho khoảng 10.000 người bị mất đất sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Kachin.
Đây là một trong những dự án năng lượng và khai thác mỏ lớn nhất của Trung Quốc, được chính quyền quân sự Myanmar chấp thuận. Myitsone gây tranh cãi đặc biệt bởi nó là con đập đầu tiên trên sông Irrawaddy, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh Miến Điện.
Khi đất nước Myanmar tiến tới nền dân chủ và việc kiểm soát quyền bày tỏ của công chúng được nới lỏng, trào lưu chống Trung Quốc trong dân chúng Myanmar đã gia tăng mạnh mẽ. Con đập trở thành tiêu điểm phản đối của người dân.
Trong khi các quan chức nhà nước cho rằng, đập thủy điện sẽ cung cấp cho Myanmar nguồn tiền mặt và năng lượng cần thiết, thì các nhà phê bình nói rằng nó sẽ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với dòng sông, làm hủy hoại nguồn cá ở hạ lưu.
Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ nhất ở chỗ, theo thỏa thuận trước đó giữa các tướng lĩnh cầm quyền với phía Trung Quốc, 90% lượng điện tạo ra sẽ được đưa sang Trung Quốc. Hồi đó, khi các cuộc biểu tình phản đối đập Myitsone lan rộng, bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân chủ bị quản thúc, cũng lên tiếng chống lại dự án này. Tháng 9-2011, Tổng thống Thein Sein đã quyết định đình chỉ dự án đập Myitsone.
Tìm phương án mới
Quyết định nói trên được xem như một chiến thắng của các lực lượng dân chủ Myanmar, gây sốc cho giới chức và các doanh nhân Trung Quốc.
Mặc dù hợp đồng giữa hai bên chưa từng được tiết lộ công khai, song vài chi tiết đã bị rò rỉ. Một nguồn tin cho biết, theo thỏa thuận, Myanmar được đảm bảo miễn phí 10% sản lượng điện của nhà máy Myitsone và có thể mua thêm khi có nhu cầu. 15% cổ phần của chính phủ Myanmar dự kiến sẽ mang lại nguồn thu khoảng 18 tỉ đô la trong thời gian 50 năm thực hiện dự án. Asia World, một tập đoàn trong nước có quan hệ với chính quyền quân sự sở hữu 5% cổ phần, còn lại các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 80%.
Myitsone là công trình đầu tiên và lớn nhất trong số bảy đập thủy điện do các nhà phát triển Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện. Theo thiết kế, nó sẽ sản xuất nhiều điện hơn so với công suất hiện nay của toàn bộ các nhà máy trên toàn đất nước Myanmar. Tuy nhiên, điều đó cũng không giúp nước này khắc phục tình trạng thiếu năng lượng mãn tính. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, là không có mạng lưới truyền tải đến các thị trấn và thành phố lớn.
“Liệu Myanmar có cần điện không? Chắc chắn có”, David Dapice, nhà kinh tế tại Đại học Harvard, người đã nghiên cứu về lĩnh vực thủy điện của Myanmar, nói. “Vậy có cần Myitsone không? Không. Có rất nhiều nhà máy thủy điện có thể được phát triển ở những vị trí khác. Ở miền Nam, nhà máy điện chạy khí đốt sẽ rẻ hơn so với việc truyền tải điện từ các đập với khoảng cách dài”, ông cho hay.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ dự án Myitsone sẽ làm phức tạp mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.
Nhà thầu Tổng công ty Đầu tư Điện lực Nhà nước Trung Quốc cho hay họ đã chi 800 triệu đô la Mỹ để nghiên cứu khả thi, nghiên cứu kỹ thuật, xây các cây cầu, nâng cấp lưới điện và xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác. Wang Qiyue, Tổng giám đốc dự án, cho biết công ty sẽ “lắng nghe cẩn thận và đưa ra lời khuyên thiết thực” cho bất kỳ đề xuất mới nào từ phía Myanmar.
Các quan chức thân cận của bà Aung San Suu Kyi cho biết, Myanmar đang tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề này. Người phát ngôn của bà Aung San Suu Kyi, U Zaw Htay, năm ngoái tuyên bố, để thỏa hiệp, Myanmar đang chuẩn bị để đề xuất với Trung Quốc các dự án thủy điện nhỏ hơn và ít đe dọa đến môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Tom Kramer, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Transnational, một tổ chức của Hà Lan nghiên cứu các vấn đề sắc tộc ở Myanmar, những khu vực có tiềm năng nhất cho thủy điện ở Myanmar lại nằm trong các khu vực xung đột. Ông cho rằng việc đề xuất các dự án mới có thể sẽ khơi mào cho những cuộc chiến giữa các nhóm vũ trang mà bà Aung San Suu Kyi đang nỗ lực đưa ra bàn đàm phán.
Một số nhà phân tích cho rằng, phương án có thể chấp nhận được, là Myanmar nhượng bộ hơn nữa cho Trung Quốc ở khu vực thành phố cảng phía Tây Kyaukpyu, nơi các công ty Trung Quốc đã giành được hợp đồng phát triển khu công nghiệp và cảng nước sâu.
Vào một buổi chiều gần gần địa điểm đập Myitsone, theo quan sát của phóng viên The New York Times, không có dấu hiệu của lao động Trung Quốc hoặc các thiết bị xây dựng. Từ bên bờ sông Irrawaddy, chuyển động duy nhất được nhìn thấy là một chiếc thuyền đánh bắt cá đang lững lờ trên dòng nước.
Cư dân vùng Aung Myin Tha cho biết, ngôi làng tái định cư mới của họ cũng có một số ưu điểm, như bệnh viện 16 giường, các con đường mới được nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng. Song, hầu hết gia đình trong số 300 hộ dân ở đây có ít đất canh tác và khó tiếp cận với sông Irrawaddy cũng như những khu vực đánh bắt cá truyền thống. Tâm lý phản đối con đập vẫn rất mạnh.
Daw Ja Khawn, một người dân làng tuyên bố: “Nếu bà Aung San Suu Kyi cho phép dự án tiếp tục, người Kachin sẽ phản đối. Chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của cả nước”.
Trong lúc chưa có quyết định cuối cùng, hàng chục gia đình đã tự giải quyết vấn đề, bằng cách quay trở lại làng quê cũ của mình, mặc dù điện đã bị cắt.
“Tôi xây nhà ở đây để thách thức người Trung Quốc”, Daw Lu Ra, một người trong số đó nói. “Ngay cả nếu chính quyền bắt di chuyển một lần nữa, tôi cũng sẽ không chịu”.
Theo TBKTSG/The New York Times
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này