
08:37 - 13/01/2017
Lừa đảo việc làm, lẽ nào chính quyền bất lực?
Nhiều người – trong đó không ít sinh viên mới ra trường – chọn phương án ở lại Sài Gòn để những mong kiếm thêm thu nhập nhờ vào việc làm thời vụ ba bữa ngày tết. Nhưng nhiều người rơi vào các cú lừa đảo cũng thời vụ.

Nhu cầu lao động trước và sau tết thường tăng cao, thu hút nguồn lao động nhàn rỗi dưới quê khiến cung vượt cầu. Nạn lừa đảo theo đó rộ lên. Trong ảnh: Lao động phục vụ quán ăn trong những ngày nghỉ tết.
Một bạn đọc tên Nguyễn Thành Hưng kể: giữa tháng 12/2016, một đứa cháu quê Thanh Hoá đang là sinh viên nhờ Hưng tìm giúp một công việc những ngày trước và sau tết, để khỏi nặng lòng cha mẹ những ngày giáp hạt sau tết ngoài quê. Anh Hưng đã lên mạng tìm kiếm.
Hưng thấy một công ty giới thiệu việc làm ở đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Anh gọi điện và được một nhân viên cho biết việc làm thời vụ có nhiều, mức thu nhập khoảng trên dưới 500.000 đồng/ngày, hẹn chiều đến trụ sở công ty để bàn bạc cụ thể.
“Lúc chúng tôi đến thấy có khá đông người lao động tới tìm việc, trong đó đa phần là sinh viên. Nhân viên công ty cho biết sẽ bố trí cháu tôi công việc giám sát camera bao quát tại một trung tâm thương mại, mỗi giờ được trả công 25.000 đồng, những ngày cận tết được trả gấp ba lần”. Cháu Hưng chịu liền. Nó được hướng dẫn sang bàn bên cạnh để ký hợp đồng và đóng 350.000 đồng tiền đặt cọc đồng phục và thế là rơi vào tròng bọn bất lương. Cụ thể, khi đã nhận tiền cọc, công ty này lại đưa một việc làm khác với mức lương bằng nửa. Chưa hết, tại công ty nhận việc cháu Hưng còn bị bắt nộp thêm khoản tiền thế chân. “Quá bức xúc, tôi và cháu trở lại chỗ công ty giới thiệu việc làm thì bị họ đánh bài xù và thách thức muốn kiện cứ kiện”, Hưng kể.
Những người xung quanh cho biết tình trạng người tìm việc cự cãi, la lối om sòm ở công ty trên xảy ra liên tục, nhưng công ty vẫn cứ vô tư hoạt động và lừa dối thêm nhiều người nghèo khác.
Mẩu tin quảng cáo mà anh Nguyễn Văn Thạnh, quê Hậu Giang, có được khi đến Sài Gòn, là cần tuyển nhân viên phụ xe giao hàng cho các siêu thị, làm giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật nghỉ, mỗi ngày 350.000 đồng. Anh Thạnh có mặt ở khu An Sương và được công ty môi giới nói đủ thứ ưu đãi nên phấn chấn đóng liền 500.000 đồng ký quỹ. Để rồi công việc được giao là bốc xếp.
“Tôi không chấp nhận và vì thế họ xù luôn tiền ký quỹ”, anh Thạnh nói như muốn khóc. Thạnh đành quay về quê với nỗi đau tiền mất, rách việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng dối gạt việc làm người nghèo đang diễn ra rộ khắp trong tháng cận tết này. Các địa điểm có thể kể tới là khu vực An Sương (quận 12), đường Tây Thạnh (quận Tân Phú)… Không ít người dân bức xúc đặt câu hỏi: tại sao tình trạng này tồn tại và con số nạn nhân năm sau cao hơn năm trước?
Chính quyền trả lời huề trớt
Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Tố Trâm đã phải cảm thán về tình trạng các doanh nghiệp lừa đảo việc làm mọc lên nhiều từ bao năm qua. Đặc biệt tập trung ở khu vực ngã tư An Sương. Chỉ cần một căn phòng thuê, vài cái bàn, treo bảng tuyển dụng là hoạt động. Mỗi ngày có hàng chục người lao động các nơi về đây bị lừa mất tiền.
“Chính quyền địa phương biết, sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) cũng biết nhưng sao doanh nghiệp lừa đảo sống khoẻ, nhởn nhơ. Đây không đơn thuần là lao động mà trở thành vấn đề an ninh trật tự. Người dân đặt câu hỏi không lẽ Nhà nước chịu thua bọn bất lương?”, bà Tố Trâm đặt vấn đề.
Trả lời những thắc mắc của người dân, một lãnh đạo quận 12 cho rằng những doanh nghiệp dối gạt việc làm ở An Sương thường không đăng ký ngành nghề giới thiệu việc làm, mà đăng ký là loại hình doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá. Khi người lao động gửi đơn khiếu nại, phòng LĐ-TB&XH quận 12 tổ chức hoà giải nhưng hầu như doanh nghiệp không đến dự. Do hoà giải không thành nên phòng hướng dẫn người lao động kiện ra toà.
Thế nhưng, những doanh nghiệp này thay đổi địa chỉ và tên đăng ký kinh doanh liên tục, nhưng khi cán bộ phụ trách xuống thực tế thì doanh nghiệp đóng cửa nên không kiểm tra được. Những quận khác có tệ nạn này cũng đưa ra lý giải tương tự.
Chánh thanh tra sở LĐ-TB&XH TPHCM, khẳng định: “Sở dĩ tình trạng các cơ sở dịch vụ việc làm chui mọc lên như nấm nhưng không dẹp được một phần do “cung – cầu”. Người lao động thiếu hiểu biết hoặc thấy tiện nên “nhắm mắt đưa chân”. Trong khi đó, chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo, các cơ quan, ban ngành liên quan thiếu sự phối hợp để kiểm tra, xử lý”.
Vậy đã rõ lỗi từ việc kiểm tra, quản lý và giám sát ở địa phương, nhưng cuối cùng người lao động nghèo lãnh đủ. Đừng nại thêm lý do nữa mà hãy quyết liệt hơn thì mới mong dẹp được vấn nạn này.
Giang Thanh – Đằng Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này