
09:36 - 08/01/2016
Làm bác sĩ là không bao giờ nghiên cứu?

Sinh mệnh bệnh nhân giao vào tay những nhà khoa học và chuyên gia tận tâm đến nỗi không có thời gian nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm đưa ra sáng kiến, thật đáng lo ngại.
“Các bác sĩ dành thời gian khám, điều trị bệnh, tiếp xúc với bệnh nhân đã không đủ thời gian thì lấy đâu thời gian để nghiên cứu” – BS Nguyễn Thị Kim Viễn, Trưởng khoa cấp cứu BV Hùng Vương.
Nghị định số 56/2015/NĐ-CP có cái lý của nó về việc hoàn thành nhiệm vụ sau một năm công tác.
Cụ thể, Điều 26 quy định viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều 27, viên chức hoàn thành nhiệm vụ phải “có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.
Nghị định này, theo báo Tuổi Trẻ, bị giới y tế TPHCM kêu ca ầm ĩ, vì cho rằng ở lĩnh vực này nhiều người không có cơ hội, không có thời gian, không có thói quen nghiên cứu hoặc sáng kiến, để có thể công nhận hoàn thành nhiệm vụ.
Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến bác sĩ Nguyễn Thị Kim Viễn, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng chỉ có những người làm nghiên cứu khoa học mới hoàn thành nhiệm vụ, toàn bộ người lao động còn lại không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo nữ bác sĩ này, mỗi lần làm nghiên cứu khoa học phải làm đề cương nghiên cứu rồi trình lên hội đồng, hội đồng họp lại, nếu được duyệt mới được tiến hành nghiên cứu.
Đối với bà, theo như phát biểu với Tuổi Trẻ, “Chỉ những người sau đại học phải có nghiên cứu mới ra trường được nên đã đầu tư thời gian làm nghiên cứu, chứ các bác sĩ dành thời gian khám, điều trị bệnh, tiếp xúc với bệnh nhân đã không đủ thời gian thì lấy đâu thời gian để nghiên cứu. Nếu theo nghị định này ai cũng đi nghiên cứu thì ai sẽ làm việc?”
Hiểu ý kiến bà thì một năm, bà hết lòng hết sức phục vụ bệnh nhân, nên cả kinh nghiệm ghi nhận về những ca khó giúp cho đồng nghiệp cũng không có.
Và, nếu phải nghiên cứu, phải đúc kết kinh nghiệm, hội thảo về những ca khó để hoàn thành nhiệm vụ, BS Viễn cho rằng bệnh nhân sẽ thiếu bác sĩ ghê gớm vì không còn ai làm việc.
Nghe ý kiến BS Viễn, mới thấy rằng làm nghề trong cuộc “mưu sinh quay quắt” hiện nay đã khiến nhà khoa học “dị ứng” với nghiên cứu ra sao.
Nhưng phía Nhà nước, cũng phải hiểu thực tế nếu quy định như trên, thì phải tạo điều kiện, bằng cách giảm thủ tục quan liêu để các bác sĩ có thể tham gia nghiên cứu.
Dù gì thì Nghị định số 56/2015/NĐ-CP không phải là không có cái lý của nó về việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Khởi Thức
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này