10:03 - 12/06/2017
Không mở rộng diện tích cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum không còn mở rộng diện tích cây cao su mà chỉ chú trọng đầu tư chăm sóc, thâm canh tăng năng suất, sản lượng mủ cao su để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Riêng năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 200.000 tấn mủ cao su, trong đó các tỉnh Gia Lai và Kon Tum có diện tích, sản lượng mủ cao su nhiều nhất.
Từ năm 2016 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác cũng như không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp dài ngày nói chung, cây cao su nói riêng.
Hiện nay, các doanh nghiệp, nông hộ trồng cao su tiểu điền ở Tây Nguyên tập trung làm cỏ, bón phân cho cao su kiến thiết cơ bản, cao su đã đưa vào kinh doanh.
Riêng đối với việc bón phân, các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cao su tiểu điền đầu tư mua các loại phân bón, hóa chất để bón cho cây cao su ngay vào đầu mùa mưa.
Các doanh nghiệp, nông hộ bón từ 3-4 tấn phân chuồng ủ hoai mục/ha cao su kiến thiết cơ bản và tùy theo diện tích cao su tơ (cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác mủ từ năm thứ nhất đến năm thứ 10), cao su trung niên, cao su già, các đơn vị, gia đình đầu tư bón từ 669 kg đến 884 kg NPK/ha/năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đầu tư bón thêm phân komíx, chăm sóc, làm cỏ cho cây cao su đúng quy trình kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện cho cây cao su phát triển với năng suất, sản lượng mủ cao.
Theo thống kê, các tỉnh Tây Nguyên hiện có tổng diện tích cao su trên 251.348 ha, trong đó có 139.115 ha cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác mủ; đồng thời có 220 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng 73.131 ha cao su.
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, đất lâm nghiệp sang trồng cao su thời gian qua nhìn chung chưa đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội cũng như các mục tiêu khác đề ra như: công tác thẩm tra, sàng lọc chủ đầu tư…
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực, nóng vội, nghiên cứu chưa thấu đáo về điều kiện thổ nhưỡng trên đất rừng khộp ngập úng vào mùa mưa, nắng hạn vào mùa khô… khiến một số vườn cao su của các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk phát triển kém, bị chết với tỷ lệ khá cao…
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này