15:23 - 11/02/2019
HSBC: Hội nhập khu vực nên là ưu tiên hàng đầu với các nước ASEAN
Các nền kinh tế ASEAN có thể cải thiện phần nào tình hình thương mại đi xuống nếu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc sang Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hỗ trợ các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong nội khối ASEAN diễn ra thuận lợi sẽ khiến cho xu hướng dịch chuyển này diễn ra sâu rộng hơn.
Đây là thông tin trong báo cáo vừa công bố của HSBC ngày 11/2.
Theo HSBC một lĩnh vực đáng chú ý là đầu tư vào kinh tế kỹ thuật số, cải thiện kết nối kỹ thuật số và đầu tư vào không gian kỹ thuật số của ASEAN, nhằm hỗ trợ lượng người tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh trong khu vực có thể tạo nền tảng vững chắc cho tiềm năng tăng trưởng chuỗi cung ứng của ASEAN, cũng như tạo sức hấp dẫn thu hút các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà hoạch định chính sách ASEAN có rất nhiều ưu tiên cần thực hiện trong năm nay và việc tiếp tục hội nhập khu vực là yếu tố trọng yếu nhằm ứng phó lại các thách thức mang tính toàn cầu trong năm 2019. Các doanh nghiệp đang trông chờ những hành động phát triển cụ thể nhằm giúp dòng chảy thương mại nội khối diễn ra dễ dàng hơn, khuyến khích đầu tư quốc tế và tạo một tương lai vững bền.
Do đó, việc đạt được nhiều cải cách, hội nhập, và mở cửa trong năm 2019 sẽ giúp khu vực hiện thực hóa dòng chảy thương mại và tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro từ những biến động trên toàn cầu đang nhiều khả năng diễn ra trong những năm tới.
Việt Nam đã đạt được những lợi thế đáng ghi nhận từ một nền kinh tế tăng trưởng nhanh cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển của Chính phủ, nhưng cần tiếp tục phát huy lợi thế này để có thể hội nhập sâu hơn nữa vào khu vực và tận dụng được nhiều lợi ích đến từ cơ hội toàn cầu hóa.
Cụ thể, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng trở thành thị trường có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển thương mại đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dẫn chứng cụ thể, báo cáo từ Khối Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn HSBC quý 1/2019, một nền kinh tế khu vực châu Á nắm bắt được 1% lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hay 1% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, GDP của thị trường đó sẽ tăng đáng kể.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong các thị trường với tiềm năng tăng trưởng tăng tới 1,2%, đây là lợi thế mà Việt Nam có thể tận dụng để đẩy mạnh hơn nữa dòng chảy thương mại trong nội khối ASEAN.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, năm 2019 đã bắt đầu như một năm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn khi các thị trường đang dự báo Fed sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt, liệu UK có đạt được một thỏa thuận về Brexit hay không… dẫn đến các loại thuế thương mại và giá dầu có tiếp tục biến động.
Trong bối cảnh những bất ổn này, ASEAN tiếp tục duy trì là một trong các khu vực cởi mở và lạc quan nhất trên thế giới và trong năm 2019 khu vực ASEAN có cơ hội tiếp tục phát huy thế mạnh này bằng việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tăng cường mở rộng tự do thương mại.
Mặt khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á đã làm dịu hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nguồn vốn cần được hướng nhiều hơn nữa vào các thị trường như Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines nơi chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai.
Đặc biệt, đòn bẩy giúp thu hút đầu tư vào ASEAN rộng rãi hơn nữa rất rõ ràng, gồm: chi phí sản xuất hợp lý, tính ổn định của các thể chế, cải thiện công nghệ, hàng rào thuế quan cho các sản phẩm đầu vào giảm và kỹ năng lao động đang dần nâng cao.
Riêng Việt Nam, có nền tảng vững chắc của một nền kinh tế ủng hộ tự do thương mại và tăng trưởng mạnh, dự báo tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư thu hút cho các doanh nghiệp quốc tế. Điển hình, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2018 đạt 35,46 tỷ USD, với tổng vốn giải ngân tăng 9,1%, đạt 19,1 tỷ USD làm cho năm 2018 trở thành năm thứ sáu liên tiếp Việt Nam thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này