10:25 - 17/09/2024
FED sẽ cắt giảm 25 hay 50 điểm phần trăm lãi suất?
Quyết định về lãi suất của FED tuần này gặp khó khăn hơn dự đoán khi họ cân nhắc giữa việc cắt giảm 25 hay 50 điểm phần trăm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng FED nên cắt giảm mạnh tay hơn với mức 50 điểm phần trăm. Mức lãi suất hiện tại là lý do chính ủng hộ cho việc này.
Nhiều lý do để “mạnh tay”
Hiện tại, lãi suất ngắn hạn của FED đã đạt 5,25% đến 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Vào mùa hè năm ngoái, FED đã tăng mạnh lãi suất do lạm phát cơ bản tăng mạnh, và thị trường lao động quá nóng,khiến FED lo ngại lạm phát sẽ mắc kẹt ở mức cao. Để ngăn chặn tình trạng này, FED đã sẵn sàng chấp nhận gây ra suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, lạm phát đã giảm xuống dưới 3%. Thị trường lao động cũng đã hạ nhiệt, nếu không muốn nói là nguội lạnh hẳn. Vì thế, việc gây suy thoái ở thời điểm này dường như không còn cần thiết.
Theo dự báo của thị trường, lạm phát CPI trong năm tới chỉ còn 1,8% và trung bình trong 5 năm tới là 2,2%, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư rằng FED sẽ đạt mục tiêu 2%.
Dự báo này không chỉ thể hiện việc các nhà đầu tư tự tin rằng FED có thể đạt lạm phát mục tiêu 2%, mà lạm phát còn có khả năng giảm xuống dưới mục tiêu – điều mà FED không mong muốn.
Bởi chi phí vay thực được tính bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát, nên khi lạm phát giảm, lãi suất thực ngắn hạn đã tăng lên từ 3,2% đến 3,5%/năm, vượt xa mức “trung lập” mà FED cho là từ 0,5% đến 1,5%. Điều này cho thấy lãi suất hiện tại đang ở mức cao, cần được điều chỉnh giảm mạnh.
Một năm trước, CPI ở mức là 3,2%, nhưng đến tháng 8, con số này chỉ còn 2,5%. Trong thời gian đó, lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã giảm từ 4,2% xuống mức ước tính 2,7%.
Khoảng cách giữa mức 2,7% và mục tiêu 2% của FED chủ yếu phản ánh tác động từ những mặt hàng như nhà ở và ô tô trong vài năm qua. Một số chỉ số thay thế đã loại bỏ các yếu tố cá biệt này, với mức lạm phát cơ bản đo được là 2,2% vào tháng 8, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục giảm nhờ giá dầu giảm mạnh, từ 83 USD/thùng vào tháng 7 xuống dưới 70 USD vào tuần qua. Điều này sẽ trực tiếp làm giảm lạm phát tổng thể và gián tiếp giảm lạm phát cơ bản, vì dầu là một yếu tố đầu vào quan trọng trong hầu hết các ngành kinh doanh. Một nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế tại FED và Đại học California đã chỉ ra rằng giá dầu có thể giải thích 16% sự dao động của lạm phát cơ bản, và 80% tác động này sẽ thể hiện trong vòng hai năm.
Thị trường lao động đã nguội lạnh cũng sẽ bổ sung cho việc FED nên cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đã tăng từ 3,5% lên 4,3% trong tháng 7, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống 4,2% vào tháng 8, không có dấu hiệu của áp lực lạm phát đáng lo ngại, chứng tỏ nền kinh tế không gặp nguy cơ quá nóng.
Rủi ro từ cắt giảm mạnh lãi suất
Cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất không phải là không có rủi ro. Các chuyên gia cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn đã thấp hơn lãi suất ngắn hạn, dẫn đến đường cong lợi suất đảo ngược. Nếu cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu có thể giảm thêm, kéo theo lãi suất thế chấp giảm và kích thích chi tiêu.
Trong kịch bản này, giá cổ phiếu có thể tăng mạnh và lạm phát có thể khó kiểm soát hơn, đặc biệt nếu giá dầu hồi phục hoặc thuế quan tăng. Nếu điều này xảy ra, FED có thể dừng cắt giảm và lãi suất vẫn ở mức cao.
Theo Nam Trần/DĐDN
Ngày đăng: 17/9/2024
Có thể bạn quan tâm
Rà soát số lượng phó chủ tịch UBND cấp cơ sở ở TPHCM
Myanmar đau đầu với đập thủy điện Trung Quốc
Nhật Bản sẽ hack điện thoại để bảo vệ người dân
Covid-19: WHO ‘tô đỏ’ gần hết châu Á, có khu vực tăng 481%
Thái Lan tính mở cửa đón du khách nước ngoài từ ngày 1/10
Tags:cắt giảm lãi suấtFed
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này