22:39 - 31/01/2018
Đổi mới giáo dục, giáo viên cũng lo
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự thảo này được đánh giá là sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của chương trình hiện tại, song vẫn còn nhiều nội dung khiến giáo viên băn khoăn.
Rất hay, nhưng…
Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có 20 môn và hoạt động giáo dục, trong đó có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… Điểm mới của chương trình, ngoài những môn học lần đầu xuất hiện, còn nằm ở các môn học mang tính tích hợp, nội dung được thiết kế gồm những chủ đề giao thoa giữa các môn học.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá chương trình giáo dục mới này giúp học sinh phát triển toàn diện, phù hợp với thực tế phát triển của xã hội, đặc biệt hướng học sinh tiệm cận được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nhà quản lý, ông Phú cho rằng, đội ngũ giáo viên hiện nay có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp hay những môn mới nêu trên hay không là điều cần xem xét.
Ở bậc THCS sẽ có một số môn tích hợp mới như môn khoa học tự nhiên, tích hợp từ các môn vật lý, hóa học, sinh học; môn lịch sử và địa lý tích hợp từ hai môn lịch sử, địa lý. Theo ông Phú, tìm được giáo viên có đủ chuyên môn có thể dạy cùng lúc tất cả các môn là điều không dễ dàng.
“Chúng tôi biết bộ sẽ triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho giáo viên trước khi áp dụng chương trình mới, nhưng không thể không lo ngại vì thời gian quá eo hẹp. Làm thế nào để một giáo viên vốn chỉ được đào tạo ra dạy chuyên sâu một môn nay lại phải ôm nhiều môn? Điều này quá khó!”, ông Phú lo ngại.
Theo ông Phú, ngay cả khi môn học được chia ra nhiều nội dung, mỗi giáo viên sẽ dạy phần nội dung theo đúng chuyên môn của mình thì cũng gây nhiều khó khăn, áp lực cho cả người dạy lẫn người học.
“Lúc này sự phối hợp giữa các giáo viên với nhau là vô cùng quan trọng. Họ phải thống nhất được cách đánh giá, thời khoá biểu để tạo sự nhất quán giữa các môn, đảm bảo người này dạy không bị “hụt” hay chồng chéo với người kia. Như vậy, phải chăng là trao thêm áp lực cho giáo viên?”, ông Phú nhận định.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Phú, những môn học mới không những đòi hỏi trường phải có đội ngũ giáo viên có chuyên môn mà còn phải đảm bảo cơ sở vật chất phù hợp. Ví dụ như môn hoạt động nghệ thuật. Người có chuyên môn về nghệ thuật chưa chắc đã có nghiệp vụ sư phạm và ngược lại. “Rất khó để trường tìm được giáo viên đủ năng lực dạy những môn mới này. Chưa kể, để triển khai những môn hoạt động trải nghiệm, các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, sĩ số lớp phù hợp nhưng hiện nay không chỉ các trường ở khu vực ngoại thành TP.HCM mà nhiều trường ở trong thành phố cũng khó đáp ứng được yêu cầu này”, ông Phú băn khoăn.
Còn nhiều băn khoăn
Mặc dù đánh giá chương trình mới có nhiều ưu điểm như nội dung mở, cập nhật được kiến thức mới, hướng học sinh tư duy nhiều hơn học thuộc lòng, nhưng ông Nguyễn Như Khoa, giáo viên môn Hoá tại một trường THPT ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), cho biết ông đọc nội dung chương trình mới trong tâm trạng “thích thú xen lẫn lo ngại”. Ở bộ môn Hoá, chương trình mới đã khắc phục được những bất cập ở sách giáo khoa hiện hành, học sinh được học đúng bản chất của môn hoá – một ngành khoa học chứ không nặng về tính toán như ở chương trình cũ.
“Đọc dự thảo, tôi thấy được sự đầu tư công phu của đội ngũ làm chương trình. Nội dung môn học gần với các nền giáo dục tiên tiến khác đang triển khai. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn nhất của lần đổi mới này. Không riêng gì môn Hoá, ở các bộ môn khác, những giáo viên trẻ, chuyên môn tốt hào hứng đón nhận chương trình nhưng không ít giáo viên lâu năm lại cho rằng chương trình mới không giảm tải như đúng tinh thần của ngành giáo dục”, ông Khoa chia sẻ.
Giải thích điều này, ông Khoa cho hay, cụ thể ở môn Hoá, đội ngũ làm chương trình đã đưa kiến thức lớp chuyên xuống lớp phổ thông nên sẽ khiến nhiều giáo viên không quen dạy chương trình chuyên cảm thấy quá nặng. Nhưng nếu so với chương trình ở các nước khác, cụ thể là ở Anh, đây lại là những kiến thức phổ thông cơ bản.
“Sẽ là áp lực cho cả học sinh lẫn giáo viên nếu vẫn dạy môn Hoá bằng những phép tính như từ trước đến nay. Để dạy được chương trình mới, giáo viên phải có năng lực chuyên môn, thường cập nhật sự thay đổi, tiến bộ của khoa học chứ không thể quanh quẩn với công thức tính, cân bằng.
Đơn cử như cách gọi tên Na trong sách giáo khoa hiện nay là Natri. Tên gọi quốc tế của Na là Sodium. Trong các tài liệu nước ngoài hay bao bì sản phẩm được sản xuất cả trong và ngoài nước hiện nay, Na đều được ghi là Sodium. Nhưng không ít giáo viên hiện chỉ dạy theo cách gọi cũ. Sự năng động, đổi mới trong phương pháp dạy, tiếp cận môn học có thể sẽ là trở ngại lớn đối với giáo viên lớn tuổi hay giáo viên có chuyên môn chưa vững”, ông Khoa nói.
Cùng quan điểm, nhiều giáo viên khác cũng cho rằng chương trình mới áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 là quá cập rập vì gặp phải những lực cản từ phía giáo viên, những người trực tiếp thực hiện chương trình. Một vấn đề được đặt ra là Bộ GDĐT sẽ giải quyết như thế nào với những những trường hợp giáo viên biên chế không đáp ứng được chương trình mới.
“Khó sa thải họ nhưng nếu giữ họ lại thì lại thiệt thòi cho học sinh, lãng phí ngành giáo dục. Chưa kể, bộ cũng cần phải xem xét cả những trường hợp giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu trong công tác tập huấn. Nếu thời gian đứng lớp của họ còn không quá 5 năm mà thời gian tập huấn vẫn như các giáo viên khác, liệu có phù hợp?”, hiệu trưởng của một trường THPT trên địa bàn TP.HCM nêu ý kiến.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này