09:04 - 08/06/2017
Dân Sài Gòn góp phần gây ngập
Chỉ cần một trận mưa là nhiều tuyến đường biến thành sông, người dân TPHCM lại rên la và đặt hàng loạt nghi vấn liên quan đến các dự án chống ngập.
Chuyện nghi ngờ của người dân là có cơ sở, tuy nhiên, nếu có đi dọc các cung đường ngập mới thấy lỗi không nhỏ khiến đường biến thành sông có sự góp phần của không ít người dân thiếu ý thức.
Một vài người hại cả xóm
Đi khắp các tuyến đường ngập từ phía tây như Tân Phú, Tân Bình, quận 6, Bình Tân cho đến phía đông là Thủ Đức, quận 9, Bình Thạnh; hay phía nam là quận 7, Nhà Bè… đâu đâu đều có cảnh lấp miệng cống thoát nước để tránh mùi hôi, cũng như rác sinh hoạt được người dân vứt bừa bãi trên đường.
Ngồi trên miệng cống thoát nước để móc rác, sau cơn mưa chiều 30/5 vừa qua, anh Trần Văn Hải, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, con đường huyết mạch nối quận 7 và Nhà Bè, không khỏi bức xúc. Theo anh Hải, hễ mưa xuống là con đường này ngập. Chuyện đường thấp, hệ thống thoát nước không đủ tải khi mưa lớn gây ngập là chuyện ai cũng biết. Thế nhưng, ít ai biết nguyên nhân khiến con đường này vừa ngập nặng và ngập lâu sau cơn mưa lại có phần đóng góp không nhỏ từ phía nhiều người dân.
“Hàng loạt bịch rác lớn từ những hộ dân sống ven đường thi nhau trôi về hướng miệng cống, cùng với rác “đi lạc” trên đường đổ về miệng cống thoát nước thì nước rút đường nào”, anh Hải bức xúc.
Tình trạng rác lắp đầy miệng cống thoát nước sau mưa thực tế xuất hiện đều khắp trên các tuyến đường ở TPHCM. Ngoài chuyện rác tự trôi về, còn do nhiều người cứ thế đem rác để ngay miệng cống với lý do vừa bít bớt mùi hôi từ miệng cống, vừa thoát được mùi hôi từ các bịch. “Chuyện này ai cũng thấy nhưng đâu có dám nhắc, vì nếu mình nhắc thì họ xoay qua hỏi: Cống của nhà bà à?”, bà Hoạt, một hộ dân sống ở đường Nguyễn Xí – rốn ngập của quận Bình Thạnh – ngao ngán nói. Trong khi đó, một công nhân vệ sinh khi vừa bốc một đống rác ngay miệng cống trên đường Lê Văn Sỹ, phường 14, quận Phú Nhuận, vừa cho hay: mỗi khu vực có khung giờ thu gom rác riêng, có người đưa rác ra sớm, sợ để trước cửa nhà mình hôi nên cứ thế đem lại miệng cống để. “Trời không mưa thì còn được, trời mà mưa đêm thì chắc chắn rác để bít miệng cống vừa gây ngập, vừa gây khổ cho người thu gom rác”, anh công nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất chính là hành vi dùng đất cát, ximăng bít luôn miệng cống của những hộ dân có miệng cống nằm ngay cửa nhà. Cụ thể, trên đường Nguyễn Cửu Đàm, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, đoạn đường dài tầm hơn 1km với khoảng 20 miệng cống hai bên đường, nhưng trong cơn mưa chiều 3/6, có ít nhất bốn miệng cống bị bít hoàn toàn bằng đất và cát. Những hộ dân trước nhà không có miệng cống nơi đây cho hay, không phải tự nhiên mà bít đâu. Họ (ý nói những người có miệng cống trước nhà – NV) bít đó.
“Vài người hại cả xóm nhưng nói đâu có được, bởi họ chối và nói tại “tự nhiên” bị bít. Muốn khai thông thì phải đợi ông thoát nước chứ mình mà lại khai thông là có chuyện ngay”, bà Hoa, một cư dân trên con đường này, nói. Tình trạng trên cũng đang diễn ra ở các khu dân cư mới từ Bình Tân cho đến Bình Chánh hay quận 6…
Làm không xuể!
Không chỉ có chuyện cống bị bít, trên khắp các tuyến kênh ở TPHCM cũng xảy ra tình trạng những người thiếu ý thức vô tư vứt xác động vật, rác rưới, xà bần xuống kênh, khiến nhiều tuyến kênh người đi bộ có thể nương vào rác mà… đi được!
“Kênh ken cứng rác, cứ vớt, cứ khơi thông rồi đâu lại vào đấy là chuyện thường ngày diễn ra ở TPHCM, dù không ít tuyến kênh để rất nhiều bảng cấm đổ rác. Nói thật chúng tôi làm không xuể”, đây là câu trả của không ít các địa phương, cũng như các cơ quan liên quan.
Trở lại câu chuyện người dân thi nhau bít miệng cống gây ngập nhưng các cơ quan liên quan chậm khơi thông, trả lời các phương tiện truyền thông, trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa, công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố, cho biết tình trạng người dân vứt rác hoặc để vật cản như gạch, gỗ, bao nilông ở miệng cống thoát nước nhằm tránh mùi hôi diễn ra khá phổ biến. Vào đầu mỗi mùa mưa, công nhân của công ty thường xuyên kiểm tra những vị trí bị bít lại. Thế nhưng, nhiều khi công nhân đến lấy những vật cản đi, người dân không cho hoặc sau đó dùng vật khác che lại, nói trời mưa sẽ tháo dỡ nhưng rồi họ lại “quên”. Theo đó, cứ hễ mưa lớn hay mưa vừa là rác lập tức theo dòng nước xuống cống, lại thêm miệng cống bị bít nên gây ngập là đương nhiên. Theo vị trưởng phòng trên, ở các điểm thường xuyên ngập, công ty cử công nhân vớt rác trước, trong và sau khi mưa; nhưng cũng chỉ được một phần của 1.400km cống và 80.000 hầm ga mà đơn vị này quản lý.
Nói vậy để thấy ý thức của người dân là vô cùng quan trọng trong việc hạn chế ngập. Hãy “vì mọi người chứ đừng để mọi người vì mình”, làm được vậy, cộng với các giải pháp trước mắt và lâu dài của cơ quan chức năng về công tác chống ngập, thì mới mong thành phố hết ngập. Còn cứ nghĩ cho mình mặc người xung quanh, thì TPHCM không ngập mới lạ.
Giang Thanh – Đằng Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này