16:55 - 18/06/2018
‘Cuộc chiến trái cây’ giữa Thái Lan và Indonesia?
Thái Lan đang cân nhắc các khả năng sẽ trả đũa Indonesia sau khi nước láng giềng Đông Nam Á này ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản tươi của Thái Lan, trong đó có nhãn và sầu riêng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, lệnh cấm trên được ban hành đúng thời điểm các loại hoa quả nhiệt đới của Thái Lan vào mùa thu hoạch chính vụ, dẫn tới nguy cơ khủng hoảng thừa do bế tắc đầu ra.
Phát biểu với giới báo chí ngày 18/6, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong đã trấn an người dân và cho biết bộ này đang đánh giá các ảnh hưởng sau động thái từ Indonesia cũng như xem xét các biện pháp đáp trả.
Bộ trưởng Sontirat nhấn mạnh việc áp đặt các rào cản thương mại vào đúng vụ thu hoạch với đối tác là “hành động không đẹp,” nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như hoa quả tươi vốn có thời gian bảo quản chất lượng sau thu hoạch rất ngắn.
Trước đó, Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum cũng cho biết cơ quan này đang chuẩn bị phương án đáp lại động thái cấm nhập khẩu trái cây của Indonesia.
Theo ông, Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ ban hành lệnh kiểm soát nghiêm ngặt đối với những mặt hàng xuất khẩu của Indonesia, kể cả tình huống xấu nhất là đóng cửa thị trường.
Tuy nhiên, Thái Lan vẫn sẽ ưu tiên giải pháp tối ưu mà không vi phạm các nguyên tắc cũng như luật pháp thương mại quốc tế, thông qua các cuộc tham vấn từ nhiều cơ quan chuyên môn và sẽ đưa ra các biện pháp ngay trong tháng này.
Từ đầu năm đến nay, hai chính phủ Thái Lan và Indonesia đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết các khúc mắc về thương mại ở cấp Bộ trưởng nhưng không đạt được bất cứ một thỏa thuận nào. Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu 97.000 tấn nhãn tươi sang thị trường Indonesia, thu 83,7 triệu USD, và khoảng 760 tấn sầu riêng qua đường biển, thu 1,2 triệu USD.
Hồi năm 2016, Chính phủ Indonesia từng chỉ cho phép Thái Lan xuất khẩu trái sầu riêng sang nước này trong thời gian đúng 1 tháng trong nửa đầu năm, số lượng không hạn chế. Lý do mà Jakarta đưa ra là cần bảo vệ sản phẩm sầu riêng trong nước trước nguy cơ bị rớt giá khi mặt hàng trái cây rất được ưa chuộng này của Thái Lan xuất hiện trên thị trường Indonesia.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia ASEAN này đạt trung bình 16,2 tỷ USD/năm, liên tục trong 5 năm qua. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 11,5% so với năm trước đó.
Bước sang năm 2018, tính đến hết tháng 4, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 6 tỷ USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan luôn tăng trưởng cao hơn đối tác Indonesia.
Theo TTXVN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này