09:27 - 25/10/2017
‘Cuộc chiến’ lò mổ và thương lái
Ngày 22/10/2017, cơ quan thú y TP.HCM phát hiện thêm 114 con heo bị chích thuốc an thần tại bốn lò mổ lậu ở Bình Tân, Tân Phú và Củ Chi. Câu chuyện quản lý các lò giết mổ thủ công hiện nay không hề đơn giản.
Cạnh tranh kiểu… triệt hạ người dùng
Bà Nhung, một thương lái ở Củ Chi, TP.HCM, lý giải: việc chích thuốc an thần vào con heo trước khi giết mổ là nhằm giúp miếng thịt hồng hào, dẻo, dai. Theo bà Nhung, thông thường, con heo bị mổ thịt từ 11 – 12 giờ đêm hôm trước, khi chuyển bằng xe lạnh ra chợ đầu mối tiêu thụ đến 4, 5 giờ sáng, thịt sẽ bị nhão, rỉ nước và có hiện tượng “trắng nhờn nhợt”. Loại thịt này, theo bà Nhung, tiểu thương chợ lẻ mua về sẽ rất khó bán, vì bị người tiêu dùng… chê. Hơn nữa, các cơ sở làm giò chả cũng không mua thịt nhão. “Muốn có miếng thịt không bị nhão, rỉ nước…, thương lái buộc phải chích thuốc an thần vào con heo để “làm đẹp” miếng thịt. Từ nhu cầu thị trường cần thịt như vậy, nên thương lái muốn tồn tại phải chấp nhận làm liều…”, bà Nhung nói.
Cách giải thích của bà Nhung, xét ở góc độ “công dụng” của thuốc an thần là có lý. Theo kinh nghiệm của các chủ cơ sở làm giò chả truyền thống, miếng thịt làm nguyên liệu phải còn nóng mới có lát giò, lát chả dẻo và dòn. Trong khi đó, với các lò giết mổ thủ công, do đặc thù làm số lượng lớn, miếng thịt ra khỏi lò về chợ đầu mối sẽ không còn nóng. Chủ cơ sở làm giò chả lại không tới trực tiếp lò mổ, mà phải ra chợ đầu mối lấy thịt, nên bắt buộc thương lái phải tìm cách “chiều” theo ý họ bằng việc chích thuốc an thần. Kiểu cạnh tranh bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm nghề nghiệp, bất chấp sức khoẻ khách hàng của giới thương lái, đáng lên án.
Theo ban quản lý chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, TP.HCM, mỗi đêm nhập vào 5.000 – 6.000 con heo do 63 thương lái đảm trách, cung cấp thịt cho hơn 3.000 tiểu thương chợ lẻ trên khắp địa bàn TP.HCM. Nhiều thương lái thừa nhận, để “sống sót” được trong môi trường kinh doanh khốc liệt, phải có sự gan lì lẫn mánh khoé trong làm ăn. Bà T., một thương lái, cho biết: giá thịt heo bán sỉ ở chợ đầu mối không bao giờ ổn định, thường ở mức cao lúc đầu phiên (1 – 2 giờ sáng), giảm dần lúc cuối phiên (4 – 5 giờ sáng). “Giá cả phụ thuộc vào chất lượng thịt, vào số lượng heo về chợ từng đêm, nhu cầu ở các chợ lẻ, ngày lễ, ngày tết, thậm chí là phụ thuộc vào… thời tiết. Đa phần thương lái có ý nghĩ phải “đạp giá” để đẩy hàng thật nhanh. Để có giá bán thấp, bắt buộc phải gian lận”, bà T. nói. “Bơm nước và chích thuốc an thần là hai biện pháp áp dụng nhiều nhất, phổ biến nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ đâu. Một con heo bơm vào 8 – 12kg nước, có thể bán thấp hơn năm bảy giá mà vẫn có lời”, một thương lái tiết lộ.
Kèn cựa ở lò mổ
Hơn một năm trước, TP.HCM có 22 cơ sở giết mổ thủ công. Khi lãnh đạo TP.HCM lên kế hoạch đến cuối năm 2017 phải xây dựng sáu nhà máy giết mổ hiện đại, cũng là lúc ra tay dẹp lò thủ công. Tuy nhiên, mục tiêu xây nhà máy không đúng tiến độ nên 11 cơ sở giết mổ thủ công được phép tồn tại.
Vụ lò giết mổ Xuyên Á bị cơ quan chức năng phát hiện, có ý kiến cho rằng, “phía sau lò mổ, sau con heo chích thuốc có bàn tay của… con người”. Khi chưa xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại, việc chính quyền yêu cầu đóng cửa lò mổ này, mà vẫn cho lò khác hoạt động đã gây ra tình trạng “ghen ăn tức ở”. Tại buổi tiếp xúc cử tri gần đây giữa lãnh đạo TP.HCM với người dân huyện Củ Chi, đã có thương lái nói rằng, vì lò Xuyên Á “độc quyền, thu giá giết mổ quá cao, làm tăng chi phí” nên họ phải… chích thuốc an thần để bù đắp! Một thương lái lâu năm ở Hóc Môn, nói thẳng: “Có chuyện kèn cựa giữa các lò mổ. Tình trạng bơm và chích thuốc diễn ra ở hầu hết các lò, chứ không riêng gì lò Xuyên Á”.
Hiện nay, trung bình mỗi đêm có khoảng 7.000 – 8.000 con heo được giết mổ tại TP.HCM. Tính giá giết mổ 40.000 đồng/con, doanh thu lên tới 300 – 400 triệu đồng. Đầu tư lò thủ công ít tốn kém, lợi nhuận được đánh giá rất hấp dẫn, đây cũng là lý do mà chủ cơ sở nào cũng muốn được… tồn tại.
Từ câu chuyện ở lò Xuyên Á, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã không chấp nhận cho lò giết mổ thủ công Xuân Thới Thượng của công ty cổ phần thực phẩm Hóc Môn hoạt động. Việc loại bỏ dần dần lò mổ thủ công để chuyển sang nhà máy hiện đại là chủ trương đúng, nhưng nhiều nguồn tin cho hay, hiện công ty này vẫn chưa từ bỏ ý định đóng cửa lò mổ này.
Lắp đặt camera kiểm soát tại lò Xuyên Á
Sau sự cố phát hiện chích thuốc an thần, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, đại diện cơ sở giết mổ Xuyên Á cho biết, đã lắp đặt 40 camera ở khu vực chuồng tồn trữ và khu vực nhập heo để giám sát hoạt động của lò mổ. Đây là giải pháp để phát hiện tình trạng thương lái bơm, chích thuốc an thần tại lò mổ. Những camera này sẽ được lực lượng thú y giám sát trong suốt quá trình nhập và mổ heo tại lò. Cùng với việc lắp đặt camera, Xuyên Á nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất như làm lại nền, quét sơn, khử trùng, rải vôi bột, sửa chữa hệ thống nước thải…
Nhằm ràng buộc trách nhiệm của thương lái cũng như các chủ thuê lò giết mổ tại cơ sở Xuyên Á, các bên đã làm hợp đồng cam kết. Theo đó, thương lái chỉ đưa heo có nguồn gốc rõ ràng, được đeo vòng truy xuất, có thông tin đầy đủ vào lò mổ, cam kết tuyệt đối không sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ, không bơm nước. Thương lái còn cam kết tự nguyện tiêu huỷ toàn bộ lô heo, nếu cơ quan chức năng kiểm tra mẫu phát hiện có bất kỳ chất cấm trong lô heo đó. Ngoài ra, tài xế cũng bị chế tài. Theo bà Thắm, tài xế nắm rõ tình trạng con heo sau khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, nên cùng chịu trách nhiệm.
Ngoài những cam kết trên, thương lái cam kết, với mỗi con heo giết mổ sẽ góp một khoản tiền để làm quỹ được dùng chi trả tiền xét nghiệm, khi có trường hợp nghi ngờ vi phạm.
bài, ảnh Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này