
15:07 - 22/02/2017
Cuộc chạy đua… của các Trump-Pháp
Về mặt bất ngờ, dân Pháp gọi Emmanuel Macron là Trump-Pháp. Nhưng về quan điểm chính trị thì Marine Le Pen gần gũi Donald Trump hơn.
Cho nên hồi bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi các thùng phiếu chưa kiểm hết, trong khi dân Paris đang còn ngái ngủ hay còn chạy theo gái trong mơ, chị Le Pen đã viết lời chúc mừng Trump rồi, hoan hô dân Mỹ từ nay sẽ được tự do!
Trump bất ngờ vào chính trường, chưa từng tranh đấu hay nghiêm chỉnh cố tìm địa vị chính trị, ngoài ý muốn phát triển đế chế riêng của mình, muốn được thiên hạ biết đến và được ngưỡng mộ, muốn le lói với các em chân dài…
Cho nên tưởng cai quản một đất nước đại khái như cai quản công ty, ông chủ muốn hét sao thì hét, khi lên ngai rồi mới quýnh, mới thấy coi vậy mà không phải vậy. Trong khi Marine thì đã nghe, đã biết chuyện chính trị từ khi còn trong bụng mẹ.
Chào đời vào mùa hè 1968 là chị bắt tay ngay vào chính trường, tiếng đầu lòng gọi bố Jean-Marie Le Pen ruột thịt. Và bốn năm sau, Le Pen-bố thành lập đảng Mặt trận Quốc gia, cực hữu, là một lực lượng chính trị quan trọng của Pháp. Để sau này được bố trao ấn kiếm, và hiện tại chị đang chứng tỏ con hơn cha là nhà có phước, tranh cử ăn đứt bố vào năm 2002.
Cơn mưa líu lo trong lúc tranh cử mà Trump rưới xuống là cơn mưa mới trong chiều hè, nó sực lên mùi nồng của đất, chúng sanh hỉ hả vì gãi đúng chỗ đang ngứa ngáy. Trong khi Marine rải cơn mưa tỉ tê từ lúc nằm nôi, thấm đất, nhuần nhuyễn. Từ đời cha, vẫn cứ là dân Pháp dân Pháp và dân Pháp. Cho nên mỗi lần bầu cử họ đều có thêm cử tri, là những người muốn chối bỏ và bất mãn sự vô hiệu của các đảng truyền thống.
Cũng khác nữa là bầu vòng đầu ở Pháp chẳng có gì giống cuộc chạy marathon sơ bộ ở Mỹ. Trump có năm tháng đánh bại từng người một, trong khi Marine phải tả xung hữu đột và phải đánh bại chín đối thủ (2017 có mười ứng viên) trong vòng đầu, chống tả chống hữu, chống lại “hệ thống”. Trong chừng mực nào đó thì đề cương giống Trump về căn bản, nhưng khác nhau về hình thức, phương pháp và lịch trình.
Thích Trump vì có đường lối bài ngoại giống mình, nên khi được phỏng vấn về sắc lệnh Trump cấm dân bảy nước chủ yếu đạo Hồi vào Mỹ, để thay câu trả lời, Marine dẫn lời của một cố vấn cho Trump, rằng thời Obama cũng đã cấm dân Iraq rồi.
Đường ta ta cứ đi…
Xưa nay Marine Le Pen rất kín đáo chuyện đời tư. Vài năm nay bắt đầu cởi mở hơn, cũng bắt đầu nói hé chút đỉnh về gia đình, với lý do là trước khi bầu lên Tổng thống, họ phải quen biết với người phụ nữ ở chị, mới đây còn cho phỏng vấn trong vườn nhà, trên tay ly rượu vang, vẻ giản dị thoải mái.
Và người ta vừa sợ vừa tin là chị đang sải bước trong đại lộ thênh thang dẫn đến điện Élysée. Bởi thay vì chương trình đối đầu chương trình, phần đông các ứng viên tránh né hoặc tìm kiếm vai trò cho mình như thể họ chẳng chắc chắn về điều gì cả. Bức tranh quê tròng trành nguy hiểm. Riêng bà chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia lại có những 144 đề nghị và không hề bị nội bộ phản biện.
Cho đến hôm nay, người ta cố giữ cử tri cách xa thùng phiếu. Không có cuộc tranh luận sâu xa nào, không có gì cho phép làm sáng tỏ một số vấn đề nặng ký, dù rằng chúng sờ sờ ra đấy. Tìm chiến dịch tranh cử như thể tìm chim. Nên trong khi Fillon đang kẹt chân trong đống bùn với “việc làm ảo mà lương thật” của vợ con, thì Marine không ngừng liếc mắt đưa tình với các cử tri phe hữu. “Tôi là ứng cử viên của nước Pháp, của nhân dân”.
Và cháu gái là Marion Maréchal-Le Pen kêu gọi cảm tình viên khuynh hữu và của Fillon nên hướng tới “chương trình M”, là “nơi duy nhất có thể trả lời về tất thảy mọi vấn đề: thuế má, nhập cư, xã hội”… Rằng dân khuynh hữu nếu đang xác nhận không muốn thấy phe tả lên nắm quyền nữa thì nên sát cánh Marine.
Dĩ nhiên cũng có người nhìn chính trị với con mắt hơi bị… vỡ mạch máu, rằng chưa chắc đâu, dám từ đây đến ngày bầu, người ta có thể chơi xỏ cú ác nào đó, ném cái gì thôi thối để hạ bệ Marine, rằng chính trị ngày nay là như vậy, chẳng có tranh luận, chỉ có những cú gàn dở vặn vẹo vậy thôi. Thêm có người bi quan, cho rằng Marine sẽ đưa dân chúng thẳng vào chân tường với chính sách kinh tế của bà. Riêng Le Pen-bố lại không chắc là con gái thắng vòng 2, vì “không có tự do phát biểu” về chuyện phá thai.
Ngoài ra, cũng có chút thay đổi dịu dàng hơn: từng muốn phục hồi tội tử hình đã huỷ bỏ từ năm 1981, coi như một trong các mục tiêu chính của chương trình, bây giờ chị tuyên bố loại bỏ mục này với lý do là nó đụng chạm đến niềm tin riêng tư, đôi khi là tình cảm tôn giáo. Nhưng vẫn nhất định rời khỏi Liên minh Âu châu, là sẽ có… Francexit rồi!
Tiền là tiên, là phật…
…Nên dù giữa bố-con có nhiều lục đục, nhưng để cho cuộc chạy đua được hoàn mỹ có thể mang lại hào quang cho đảng, cho gia đình – điều mà Mặt trận Quốc gia đã “thua trong vinh quang” năm 2002 – bố vẫn phải mua thêm nước bổ Con bò húc tiếp sức cho Marine. Là cho mượn 6 triệu euro.
Theo tuần báo Con Vịt Bị Xiềng (cái con nhỏ này, thiệt tình!), thì Nga cho Mặt trận Quốc gia mượn 28 triệu euro để lấy đà mà phóng. Nhưng thủ quỹ của Mặt trận Quốc gia cải chính rằng chỉ có một nhà băng Nga cho mượn 9 triệu hồi năm 2014 thôi, và khổ cái là sau đó nhà băng này dẹp tiệm, từ đó Mặt trận Quốc gia không có liên hệ đặc biệt với các tổ chức tài chính Nga nữa.
Cực tả hay cực hữu chưa bao giờ lên ngôi ở Pháp. Có vẻ họ hiểu tiếng Việt: cực luôn đi chung với khổ. Nhưng ngoài Emmanuel Macron mà Mặt trận Quốc gia coi là đối thủ đáng gờm, các ứng viên kia đều bất khả hay có vấn đề. Và dù lo ngại trước viễn ảnh của Brexit, của Trump, nói chung người ta lại ưa thay đổi!
Xuân Sương (Paris)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này