10:31 - 06/08/2024
Chứng khoán Nhật ‘sập’ mạnh nhất sau 37 năm vì đâu?
Chỉ số Nikkei đã giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 1987 sau khi thị trường chứng khoán nước này phản ứng trước dữ liệu yếu kém của nền kinh tế Mỹ.
Chứng khoán Nhật giảm mạnh
Chỉ số Nikkei đã đóng cửa giảm 12,4% vào ngày 5/8/2024, do số liệu việc làm đáng thất vọng của Mỹ và những lo ngại về kinh tế Nhật Bản.
Đây là mức giảm lớn nhất trong một ngày của Nikkei kể từ khi chỉ số này giảm 14,9% vào ngày 20 tháng 10 năm 1987, sau “ngày thứ Hai đen tối” trên Phố Wall.
Cú sập của chỉ số này theo sau mức giảm 5,8% vào ngày thứ Sáu tuần trước. Nhìn rộng hơn, Nikkei đã mất tất cả mức tăng trong năm nay và đã giảm hơn 25% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước. Các chỉ số chứng khoán khác ở châu Á cũng giảm, với chỉ số Kospi chuẩn của Hàn Quốc giảm 8%. VN-Index cũng chứng kiến một phiên giảm rất mạnh.
Một số nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra cho phản ứng tiêu cực này. Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại rõ rệt trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% – mức cao nhất kể từ năm 2021.
Cùng với đó, đồng Yên tăng giá so với USD cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về các tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản. Tại Tokyo vào thứ hai, đồng Yên đang được giao dịch ở mức khoảng 142 so với USD, so với 148,95 vào lúc đóng cửa thị trường chứng khoán Tokyo vào thứ Sáu tuần trước và khoảng 161 vào đầu tháng 7, mức yếu nhất của nó trong 37 năm.
Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản bắt đầu thu hẹp sau khi Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất chính sách vào tuần trước và có khả năng sẽ thu hẹp hơn nữa nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhiều nhà phân tích dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất trong ba cuộc họp còn lại của năm 2024, thậm chí có ý kiến cho rằng cơ quan này sẽ hành động nhanh hơn để ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Điều đó làm cho các khoản đầu tư dựa trên đồng Yên sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhưng cũng gây ra những mặt tiêu cực. Việc đồng Yên mạnh lên có xu hướng làm giảm lợi nhuận của các công ty Nhật Bản vì nó làm cho xuất khẩu kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài và giảm giá trị lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài.
Thị trường Mỹ phản ứng trước nguy cơ suy thoái
Không chỉ Nhật Bản và các nền kinh tế châu Á, các số liệu kinh tế Mỹ chậm lại cũng đã khiến chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm hơn 600 điểm vào thứ Sáu tuần trước khi các nhà đầu tư lo lắng về nền kinh tế yếu kém.
Điều này đã phản ánh sự lo lắng mới của các nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái kinh tế. Từ cổ phiếu ngân hàng đến các công ty nhỏ đều bị ảnh hưởng lớn, lợi suất Kho bạc Mỹ giảm xuống dưới 4% và Chỉ số Biến động CBOE – được gọi là “thước đo nguy cơ” của Phố Wall, đóng cửa ở mức cao nhất trong năm.
Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ gần đây liên tục gây thất vọng do kết quả kinh doanh không ấn tượng từ các công ty công nghệ lớn. Điều này đã khiến một số nhà đầu tư hoài nghi về triển vọng thực sự từ trí tuệ nhân tạo – động lực đã thúc đẩy cổ phiếu công nghệ trong năm qua. Sau khi Intel công bố doanh số quý đáng thất vọng và thông báo kế hoạch sa thải 15,000 người, cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm 26% vào thứ Sáu tuần trước.
Báo cáo việc làm Mỹ tuần trước không phải là dữ liệu duy nhất cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang yếu đi. Trước đó, Viện Quản lý Cung ứng đã báo cáo rằng thước đo việc làm trong ngành sản xuất đã xấu đi trong tháng 7.
Các chỉ số thị trường lao động khác cũng đang cho thấy tín hiệu cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế. Quy tắc Sahm, một chỉ báo được phổ biến bởi nhà kinh tế Claudia Sahm, cho rằng nếu trung bình tỷ lệ thất nghiệp trong ba tháng tăng nửa phần trăm trở lên so với mức thấp nhất trung bình trong ba tháng đã đạt được trong năm trước đó, tức là nền kinh tế đang trong suy thoái.
Nếu chiếu theo quy tắc đó, trong ba tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Mỹ là 4,13%—cao hơn 0,53 điểm phần trăm so với mức trung bình thấp trong ba tháng là 3,6% trong năm qua.
Tuy nhiên, bà Claudia Sahm, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng tại New Century Advisors, cho rằng bà không nghĩ nền kinh tế đang ở bờ vực suy thoái ngay lập tức. Các thay đổi trong nguồn cung lao động kể từ đại dịch (như nhập cư) có thể đã khiến quy tắc Sahm phóng đại mức độ yếu kém của thị trường lao động Mỹ. Nhưng sự thận trọng là điều cần thiết, khi “chúng ta vẫn đang ở một vị trí tốt. Nhưng cho đến khi chúng ta thấy dấu hiệu ổn định của các thông tin tiêu cực, tôi vẫn còn lo lắng,” bà nói.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ngày đăng: 6/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này