12:27 - 13/12/2016
Cảnh báo triều cường tại TPHCM
Sáng sớm 13/12, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Áp thấp nhiệt đới đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 trên vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông nên ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đã có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa tính đến 01 giờ ngày 13/12, phổ biến 50-100mm, một số nơi mưa rất to như: Bình Nghi (Bình Định) 187mm; Nha Trang (Khánh Hòa) 230mm …
Dự báo: Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên ngày hôm nay còn có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông.
Trong cơn dông nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh, vùng ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường dâng cao gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp.
Cảnh báo triều cường trên các sông Nam Bộ
Hiện nay, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên theo kỳ triều cường.
Mực nước cao nhất ngày 11/12 tại một số trạm như sau: Trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 1,48m; tại Mỹ Tho là 1,57m. Trên sông Hậu tại Cần Thơ là 1,59m; tại Long Xuyên là 1,84m. Trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An là 1,49m (xấp xỉ BĐ3).
Dự báo, do ảnh hưởng của kỳ triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn tiếp tục lên và đạt đỉnh vào ngày 14-15/12, mực nước tại các trạm chính vùng hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Trên sông Tiền tại Mỹ Thuận lên mức: 1,85m (trên BĐ3: 0,05m); tại Mỹ Tho: 1,6m (ở mức BĐ3). Trên sông Hậu tại Cần Thơ lên mức: 1,9m (ở mức BĐ3); tại Long Xuyên: 2,2m (ở mức BĐ2). Trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An lên mức: 1,60m (trên BĐ3 0,1m).
Do ảnh hưởng mưa lớn của ATNĐ và kết hợp với kỳ triều cường, nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp tại một số tỉnh thành Nam Bộ và khu vực TPHCM.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 42/CĐ-TW hồi 22h ngày 11/12/2016 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Trị đến Kiên Giang; các Bộ: Quốc phòng, Công an, GTVT, Ngoại giao, TNMT, TTTT, NNPTNT về ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT – Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung.
Thứ nhất, đối với tàu thuyền trên biển: Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Duy trì liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện và các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, đối với khu vực đất liền, ven biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Sóc Trăng, chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó như: Chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú để đảm bảo an toàn.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nhà cửa không đảm bảo an toàn, những khu vực trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển.
Kiểm tra, rà soát các hoạt động du lịch ven biển, trên đảo; các lồng bè, khu nuôi trồng thủy, hải sản, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và du khách.
Thứ ba, đối với các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, bên cạnh việc triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả của các đợt mưa lũ vừa qua cần tích cực chủ động các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới, đặc biệt chú trọng một số nội dung sau:
Kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, tăng cường công tác phối hợp giữa chủ hồ với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương liên quan trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra.
Rà soát lại công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, đặc biệt là thiệt hại về người như đã xảy ra trong các đợt lũ vừa qua.
Thứ tư, sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ năm, các cơ quan thuông tin đại chúng thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, tăng cường thời lượng phát sóng giúp các cấp chính quyền, người dân nắm được thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng chống.
Thứ sáu, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia TKCN.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này