10:56 - 14/04/2017
Bánh dân gian với những sắc màu tự nhiên
Ghé vào những điểm biểu diễn làm bánh dân gian ở lễ hội Bánh dân gian ở Cần Thơ, người ta có dịp quay về với một thời tuổi thơ khi nhìn các loại bánh đủ màu, đỏ vàng xanh tím trắng… Những thứ màu được những người làm bánh lấy ngay từ vườn nhà.
Nhà nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Bình Thuỷ, TP Cần Thơ. Tuy đã “nửa đời hương phấn” nhưng bà Chín Chiều hàng ngày vẫn cùng chồng đẩy xe bánh bò, bánh chuối, bánh lá, bánh da lợn, bánh sùng, bánh ít trần, đặc biệt là món bánh tằm xe mặn và ngọt mà hiện nay trên đất Cần Thơ rất ít người bán dọc con đường Cách Mạng Tháng Tám.
Tản cư vào Nam những năm 1970 của thế kỷ 20, hàng ngày bà Chín Chiều vẫn gánh tàu hủ đi bán khắp Cần Thơ, chính nhờ vào gánh tàu hủ mà bà bén duyên cùng “ổng”. Chuyện nghe như đùa, bà Chín tình cờ gặp ông Chín trên chuyến xe lôi định mệnh như sự sắp đặt từ trước của thần Cupid. Nghề làm bánh dân gian của bà Chín Chiều bắt đầu từ đó và bà trở thành truyền nhân duy nhất của má chồng.
“Út ơi mấy bữa rày con không có đi chợ, con nhớ, con thèm bánh của Út quá, cho con mấy bọc để nước cốt riêng nha Út. Tuy là đồng tiền không lớn nhưng đó là niềm vui khi mình làm cho khách hàng vừa lòng, khách ăn khách vui thì mình cũng vui theo”, bà Chín lấy những câu tình cảm của khách làm niềm vui động lực cho mình, những mệt nhọc đều tan biến – bà Chín kể.
Để chiếm được lòng tin của khách hàng, trong từng miếng bánh khi làm ra, đòi hỏi phải mang sự tử tế, cái tâm và lòng kiên nhẫn của người làm trong đó. Để chiếc bánh được bắt mắt hấp dẫn và thơm hơn, bà Chín dùng lá dứa xay nhuyễn vắt lấy nước và pha thêm một ít lá bồ ngót già để làm màu xanh cho bánh da lợn, lá cẩm thì nấu lấy nước làm màu cho bánh bò, làm xôi chứ bà không dùng phẩm màu.
Chẳng những vậy, bà Chín còn làm bánh con sùng ngũ sắc (trắng tinh khôi của bột gạo; vàng ươm của gấc; tím sen hồng của lá cẩm; xanh ươm lờn lợt của lá dứa, xanh thẫm huyền bí của lá mơ). Hay dùng trái gấc để xào nhưn cho bánh tằm xe thay phẩm màu gạch tôm “màu công nghiệp” không tốt cho sức khoẻ, màu thiên nhiên bao giờ cũng ngon, tốt cho sức khoẻ hơn. Làm bánh cần phải có cái tâm chứ đâu phải làm ra để lấy đồng tiền cho mình đâu. Làm bánh bán thì gia đình cũng ăn, bán lâu dài chứ đâu phải bán một ngày một bữa, người ta ăn còn phải nhớ đến mình. “Nếu có bán đắt cỡ nào thì cũng giữ cái chuẩn chứ đừng có tham lam, ham lời mà mất đi cái ngon lúc đầu”, bà Chín tâm niệm.
Chính vì vậy mà bà Chín có cả một “khu vườn” trồng lá dứa xanh um, giàn dây gấc trái treo tòng teng vàng tươi trông thật đã mắt, dùng để lấy màu sử dụng quanh năm. “Mấy ông, bà kiều bào khi về nước làm từ thiện thích ăn bánh của cô làm lắm, mỗi lần về nước là ghé ăn mấy ngày liên tục. Mấy chục năm đi xa quê tôi nghĩ không còn hương vị này nữa đâu, nhưng không ngờ ăn bánh của cô còn cái hương vị xưa,” bà Chín kể.
Bà Chín chia sẻ: “Nghề làm bánh này cực dữ lắm, nửa đêm 1 giờ sáng là phải thức nhóm lửa, nấu bánh, nếu ai không kiên nhẫn sẽ không làm được, không có thời gian để đi chơi nên giới trẻ bây giờ chẳng ai chịu làm đâu, nhưng có cái tâm yêu nghề thì sẽ làm được. Hiện nay, cô đang truyền nghề cho con dâu nếu nó làm được thì làm”. Chỉ có xe bánh nhưng bà Chín lại nuôi những ba người con học hành đàng hoàng và nên người. Mình cho đi chắc chắn sẽ nhận lại được, người mình cho không trả nhưng người khác sẽ trả có khi còn nhiều hơn cái mình đã cho người khác.
Còn chị Phan Thị Kim Hiện ở Cồn Sơn, TP Cần Thơ là nghệ nhân làm bánh trái mãng cầu từ lá dứa nhưn đậu xanh, chia sẻ: “Má mất từ khi sinh ra nên mình học làm bánh trái mãng cầu từ ba để giữ chút kỷ niệm của má. Mình sợ thất truyền và lưu giữ cái gì đó giá trị của truyền thống của quê hương, nên mình chỉ sử dụng những màu, nguyên liệu tự nhiên trong sản phẩm của mình. Lá dứa thì mình tự trồng trong vườn rồi cắt vào mà xài chứ không có đi mua ở đâu hết”. Bà Bảy Muôn, một trong những cư dân có “thâm niên” trên đất Cồn với nhiều biệt tài “lẻ” chia sẻ: “Làm bánh thì phải xài màu của cây lá trong vườn có sẵn, bánh mới thơm, ăn nó không có độc. Còn màu thực phẩm mình biết gì trong đó mà làm, mấy lá dứa, gấc… nhóc hết, có khi chị còn chặt bỏ bớt khỏi mua màu thực phẩm chi cho tốn tiền”. Bà Bảy Muôn cũng có cả một “vườn” gấc và lá dứa, lá cẩm để làm màu cho bánh bò, bánh da lợn, bánh lọt… để khách đặt và an tâm hơn khi ăn những loại bánh truyền thống của người Nam bộ. “Khi gấc chín nhiều chị hái xuống đem xào bỏ muối cho mặn rồi vô keo, tráng lớp dầu ăn trên mặt để ăn dần dần có khi hai tháng chưa hư”, Bảy Muôn bật mí.
Gia đình ông Võ Công Minh, Việt kiều Úc, trở về thăm quê hương sau nhiều năm xa xứ, chia sẻ: “Người dân Cồn Sơn rất dễ thương, chân thật, được ăn bánh lọt, da lợn màu rất thích, vì màu được làm từ lá dứa tươi rất thơm ngon và chất lượng nên tui rất thích. Sẽ trở lại ở đây vài tháng cho đã”.
Còn bà Hồng Cúc với 37 năm thâm niên trong nghề làm bánh lọt, tàu hủ hàng ngày cứ rong ruổi trên khắp các nẻo đường, ngóc ngách của thị xã Ngã Bảy – Hậu Giang, để mưu sinh bằng gánh bánh lọt. Tuy vậy, bà Cúc bộc bạch: “Cô không sử dụng màu làm từ hoá chất để tạo màu cho bánh. Cô chỉ dùng cây cỏ tự nhiên như lá dứa và lá bồ ngót rồi xay vắt lấy nước, trộn với bột gạo thế là được một mẻ bột vừa xanh vừa hấp dẫn của lá dứa và bồ ngót, nhưng lại an toàn với sức khoẻ của người tiêu dùng. Cây cỏ tự nhiên ăn mát mà còn không bị độc, lá dứa thơm người ta còn uống trị bệnh tiểu đường, nếu mình làm màu công nghiệp là người ta chê sợ bệnh không ăn”.
Không ruộng vườn, chồng thì làm nghề đóng cừ mướn nhưng thỉnh thoảng mới được người ta thuê; chỉ có gánh bánh lọt, nhưng bà Cúc lại nuôi ba đứa con ăn học nên người. Đứa lớn đã trở thành giáo viên của một trường tại Cần Thơ, một đứa đang là sinh viên ngành Công nghệ thông tin đại học Cần Thơ, và một đứa chuẩn bị thi đại học.
Trong cuộc sống này, những người làm ăn tử tế chắc chắn sẽ được đáp trả bằng sự tử tế. Và đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, khi người bán và người mua biết đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu nhau.
Nam Việt
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này