
08:32 - 29/12/2016
30 ông, mạnh ai nấy đào đường, chết dân
Cứ đến mùa làm ăn cuối năm là người dân Sài Gòn không qua khỏi “cái hẹn đào bới” không mua bán gì được.
Đầu tháng 12 vừa rồi, hàng trăm tiểu thương kinh doanh trên đoạn đường từ vòng xoay Lê Văn Sỹ – Nguyễn Trọng Tuyển đến ngã tư Lê Văn Sỹ – Huỳnh Văn Bánh, đã thảng thốt gọi là tháng “cô hồn”.
Dù là mùa kinh doanh đắt nhất trong năm – Giáng sinh và tết tây – nhưng hàng quán ở đoạn đường trên lại vô cùng ế ẩm. Đoạn đường này trong vòng chưa đầy hai tháng bị đào lên hai lần để thay gạch rồi đặt ống nước.
“Nhìn cửa hàng thời trang mà cứ như bô rác, vậy hỏi khách nào vô?”, chị Nguyễn Thanh Hoà, chủ cửa hàng quần áo trên đường Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, bức xúc.
Chị Hoà cho biết, chỉ với hai tháng đào bới của quận và công ty cấp nước, chị đã mất trắng 40 triệu tiền thuê nhà, mất hàng chục triệu tiền lãi ở mùa kinh doanh “hốt bạc” nhất năm.
“Không biết mấy ông duyệt cái kế hoạch đào bới cuối năm có biết đây là mùa kinh doanh được kỳ vọng nhất của tiểu thương hay không mà lại “ra tay” ký như vậy”, chị Hoà ấm ức.
Chị Trần Thanh Hoa, chủ cửa hàng giày, dép gần góc ngã tư Lê Văn Sỹ – Đặng Văn Ngữ, bực tức nói: lúc người ta bới gạch vỉa hè lên thay, các tiểu thương tuy có “tức” nhưng cũng ráng chấp nhận vì chắc chỉ bị ảnh hưởng trong vài ngày là hết.
Thế nhưng, khi gạch vỉa hè vừa lát xong thì chưa đầy tháng, lại thấy mấy ông cấp nước xuống cắt vỉa hè, đào đất trước cửa nhà để đặt đường ống nước cao su.
“Kiểu người thay, người đào bới kiểu này thì ai chấp nhận được?”, chị Hoa đặt câu hỏi. Tương tự, đoạn đường từ ngã tư Huỳnh Văn Bánh – Lê Văn Sỹ đến ngã ba Huỳnh Văn Bánh – Đặng Văn Ngữ: tráng đường – đào lên – tái lập – rồi đào bới.
“Không lẽ các tháng khác “trời” không cho đào hay sao mà cứ canh vào tầm cuối tháng 11, đầu tháng 12 là tiến hành đào bới?”, chú Lê Trung Thanh, nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh, ngao ngán đặt câu hỏi.
Lôcốt tăng đột biến
Theo thống kê của thanh tra sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, hiện toàn thành phố có đến 91 vị trí rào chắn để thi công hạ tầng giao thông trên 39 tuyến đường, tăng 32 lôcốt so với giữa tháng 9.
Việc gia tăng lôcốt, khiến tình hình giao thông trên các tuyến đường nhỏ hẹp càng trở nên căng thẳng và hàng vạn người mua bán ở TP.HCM lại tiếp tục than trời.
Thảm nhất, chắc chắn là các cửa hàng nằm quanh công trình cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp. Trái ngược với mọi năm, giờ này các cửa hàng ở đây hoặc là vắng tanh, hoặc là treo bảng thanh lý.
Nhìn đống chăn, gối nệm “nằm tại chỗ” mà bà Thuỷ, chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp không ngừng thở vắn, than dài.
“Tết này cả nhà tôi chịu thua cái lôcốt rồi. Nó án kiểu này thì ai mà vào mua với bán. Phải chi họ làm lôcốt từ đầu năm thì giờ đâu có “giết” chết cửa hàng của tôi”, bà Thuỷ nói như khóc.
Tình cảnh của bà Thuỷ cũng là tình cảnh của cả trăm cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm và các khu vực lân cận, khi lôcốt thi công cầu vượt ở nút giao thông ngã sáu Gò Vấp dự báo kéo dài qua tết.
Tương tự, dãy lôcốt đang mọc trên đường Phú Hữu, phường 14, quận 5. Đường đã nhỏ giờ thêm lôcốt, người đi đường chỉ mong nhanh chóng thoát qua thì lấy đâu ra “người gan dạ” ghé lại mua hàng.
Kịp giải ngân, chứ “không kịp” nghĩ cho dân?
Theo tìm hiểu, mỗi năm tại TPHCM có đến hàng trăm km đường được thi công đào xới để lắp đặt công trình ngầm.
Trả lời các phương tiện truyền thông, ông Hoàng Phúc Dũng, phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM cho rằng hiện các dự án trọng điểm của thành phố, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA có nhiều rào chắn nhất, kế đến là các công trình ngầm hoá hệ thống dây điện và thông tin, cấp nước, thoát nước… Nếu không cấp phép đào đường sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.
Trả lời thắc mắc vì sao có những con đường, vỉa hè trong vòng vài tháng mà có tới vài cuộc “khai quật”, một lãnh đạo sở GTVT thành phố thừa nhận trên phương tiện truyền thông, sở đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư khi đào đường phải thông báo với các đơn vị khác để thi công cùng một thời điểm.
Đồng thời, sở cũng quy định đối với đường mới làm phải sau năm năm mới cho đào đường, lắp đặt công trình ngầm. Thế nhưng, trên thực tế có những tuyến đường mới được tráng nhựa phẳng phiu chưa đến hai, ba năm sau đã bị đào lên với nhiều lý do khác nhau.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 30 đơn vị làm chủ đầu tư các ngành điện, cấp nước, thoát nước, truyền hình cáp, internet… có các công trình ngầm. Mỗi đơn vị đều có nhu cầu đào đường riêng.
Theo đó, từng chủ đầu tư đề xuất sở GTVT danh sách các con đường sẽ đào lắp đặt công trình ngầm. Như vậy, nhu cầu đào đường cứ thế tiếp tục tăng theo từng năm và không ai có thể xác định đến năm nào TPHCM sẽ hết đào đường.
Giang Thanh – Minh Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này