09:16 - 05/09/2017
22,3 triệu học sinh, sinh viên cả nước dự khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, gần 20 triệu học sinh trên cả nước đã dự lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, đúng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tại TP.HCM và Hà Nội, từ sáng sớm, các phụ huynh náo nức đưa học sinh tiểu học đến trường chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường học trên cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới vào sáng 5/9. Lễ khai giảng sẽ được diễn ra trang trọng, ngắn gọn, thuận lợi và tạo hứng khởi cho thầy cô và các em học sinh.
Trong năm học mới 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định mục tiêu là tiếp tục tập trung nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Toàn ngành từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo cũng thể hiện quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Tiếp nối những thành công của năm học 2016-2017, trong năm học mới 2017-2018, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp phù hợp với yêu cầu của năm học mới.
Trong đó, giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập…
Ngành giáo dục cũng sẽ tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Công tác thi đua khen thưởng cần đi vào thực chất nhằm từng bước đẩy lùi căn bệnh thành tích và lộ trình thực hiện giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.
Hiện cả nước có 235 trường đại học, học viện (170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, 32 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Năm học 2016-2017, số lượng giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ: 16.514 người; thạc sĩ 43.065 người.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ năm học 2016-2017 tăng 19,74% so với năm học 2015-2016. Hiện có trên 22 triệu lượt người học tập tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Gần 21 triệu lượt người học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng. Quy mô sinh viên đại học là 1.767.879 (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016); quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm của các trường cao đẳng sư phạm 47.800 sinh viên.
Theo Bộ GD-ĐT, trong 22,3 triệu HS-SV cả nước, chiếm số lượng đông đảo nhất là học sinh tiểu học 7,8 triệu; học sinh THCS 5,2 triệu; mầm non, 5,1 triệu; THPT là 2,5 triệu; sinh viên 1,7 triệu. Cả nước có khoảng 316.600 giáo viên mầm non, 397.100 giáo viên tiểu học, 311.000 giáo viên THCS, 150.700 giáo viên THPT và 72.800 giảng viên đại học, cao đẳng.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này