11:20 - 11/05/2016
TPHCM: Cây xanh bị bức tử hàng loạt, chẳng ai làm sao cả
Liên tiếp những ngày qua, hàng loạt cây xanh tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM bị đốn hạ, chết khô hoặc vàng lá, héo úa… nhìn thấy xót.
Những cái chết tức tưởi của cây xanh đô thị khiến người dân bức xúc một, thì cách hành xử của đơn vị quản lý lại khiến người dân bức xúc mười.
Chẳng là, trong tình cảnh cây xanh bị bức tử đồng loạt thì sở Giao thông vận tải TPHCM lại có công văn kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm điển hình để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự thời gian tới.
Đồng thời, các đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh đều có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý nhưng thường thiếu thông tin phản hồi, hoặc nếu có lại không có kết quả do không bắt được quả tang.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình như “khu phố tự quản” hoặc “dân tự quản”… để người dân địa phương được biết và cùng tham gia bảo vệ cây xanh.
“Đọc thông tin trên thực sự tôi không thể chấp nhận được và cũng chẳng hiểu cây xanh được quản lý thế nào”, ông Nguyễn Hữu Phú, nhà ở quận Tân Bình, bức xúc.
Ông Phú bức xúc cũng phải, bởi đọc qua công văn trên ai cũng thấy sở Giao thông vận tải, công ty Cây xanh TP.HCM đang chơi “chiêu” phủi trách nhiệm.
Nói phủi trách nhiệm cũng không “ngoa”, bởi ai cũng biết hàng năm chính quyền thành phố bỏ ra một đống tiền cho việc chăm sóc và quản lý cây xanh.
Vậy mà khi xảy ra chuyện cây xanh chết thì đơn vị quản lý chính lại bảo không biết, rồi nhờ người khác điều tra, xử lý hay quản giúp mình thì chẳng khác nào chuyện hài.
Đơn cử như vụ hàng loạt cây me tây liền kề nhau đồng loạt bị xuống lá và chết trên đường Trường Sơn (đối diện cổng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình), theo người dân vụ này đơn vị chủ quản có trách nhiệm không nhỏ.
Bởi kể từ khi cây xanh có dấu hiệu “bất an” đến lúc “chết” kéo dài cả tuần nhưng hẳn nhiên không thấy người chăm sóc cây đến để cứu.
“Họ nhận tiền để chăm sóc cây, cứu cây nhưng không phát hiện ra là chậm, là thiếu trách nhiệm. Làm ăn vậy thì không thể đổ tội cho ai được”, ông Phú phân tích.
Theo ông Phú, khi anh nhận tiền chăm sóc thì anh phải có trách nhiệm với cây xanh. Khi cây xanh bị bức tử anh phải nhận trách nhiệm; nếu không muốn nói theo quy luật kinh doanh thì phải đền.
Theo ông Phú, ông thầu xây dựng xây nhà bị sập thì phải đền chứ không thể đổ lỗi cho vật liệu dỏm được. “Ở đâu lại có cái kiểu dễ thì ăn, còn khó thì đổ cho người khác. Quản lý cây xanh như vậy thì cây xanh còn bị bức tử dài dài!”, ông Phú ngao ngán!
Minh Giang
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này