
16:46 - 05/06/2018
Thái Lan lập quỹ Mekong nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Thái Lan sẽ chủ trì việc thành lập một quỹ khu vực Mekong với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để cấp vốn cho các dự án xây dựng hạ tầng và phát triển khác, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc.

Công nhân làm việc tại dự án đập thủy điện Nam Tha 1 do một công ty Trung Quốc xây dựng tại Lào. Ảnh: Getty.
Tờ Nikkei Asian Review ngày 4/6 dẫn lời ông Arthayudh Srisamoot, Phó Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan rằng, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ đưa ra đề xuất này cho các lãnh đạo năm nước nói trên tại hội nghị cấo cao lần thứ 8 của Chiến lược hợp tác kinh tế khu vực Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) diễn ra tại Thái Lan vào ngày 16/6 tới.
Ông Srisamoot cho biết, quỹ khu vực Mekong sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019 và Thái Lan sẽ đóng góp một khoản tiền ban đầu lớn cho quỹ này. Quỹ cũng sẽ huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu cho các dự án do ACMECS khởi xướng chẳng hạn sản xuất điện. Các tổ chức tài chính và các nước bên ngoài khung hợp tác ACMECS cũng có thể đóng góp cho quỹ.
Mặc dù các chi tiết vẫn chưa được thảo thuận nhưng các nước thành viên của quỹ khu vực Mekong sẽ nắm quyền kiểm soát quỹ này bằng cách thành lập một ủy ban quản lý chung.
Hiện tại, các nước trong khu vực ASEAN nhận vốn vay từ bên ngoài chủ yếu thông qua các thỏa thuận song phương với các nước ngoài khu vực hay từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trước đây, Nhật Bản và các nước phương Tây là các nhà đầu tư chính ở ASEAN nhưng hiện nay, Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện trong khu vực, đặc biệt là trong các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ Sáng kiến một vành đai, một con đường. Thông qua một khung hợp tác đa phương giữa Trung Quốc và năm nước nằm bên lưu vực sông Mekong, Bắc Kinh đã cam kết cung cấp các khoản vay ưu đãi trị giá 10 tỉ nhân dân tệ (1,5 tỉ đô la Mỹ).
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc thường dẫn đến những phí tổn lớn. Chẳng hạn, Lào phải chấp nhận nhượng quyền sử dụng đất đai và các quyền phát triển khác cho Trung Quốc để được nước này đổ vốn đầu tư thủy điện, đường cao tốc và đường sắt.
Ông Arthayudh Srisamoot nói: “Nhiều nước trong khu vực, dù hoan nghênh nguồn vốn đầu từ các nước ngoài, vẫn muốn duy trì sự cân bằng, chứ không muốn phụ thuộc vào một nước duy nhất”.
Quỹ khu vực Mekong cũng có thể giúp cải thiện sự điều phối giữa các nước trong khu vực trong kế hoạch phát triển các dự án. Trung Quốc đang tài trợ vốn để xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong tại Lào và Campuchia nhưng các dự án này áp đặt mối đe dọa cho hệ thống sinh thái nông nghiệp ở vùng hạ nguồn Mekong.
Theo ông Arthayudh Srisamoot, sẽ tốt hơn nếu có một chiến lược chung hay một dạng đồng thuận nào đó trong các nước thành viên ACMECS trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước khác chẳng hạn Trung Quốc.
Quỹ khu vực Mekong dự kiến sẽ phục vụ các dự án trong kế hoạch tổng thể của ACMECS giai đoạn 2019-2013 sẽ được thông qua tại hội nghị cấp cao ACMECS ngày 16/6 tới. Kế hoạch này chủ yếu tập trung vào việc nâng cao kết nối giữa năm nước thành viên ACMECS bằng cách nâng cấp các hành lang kinh tế Đông -Tây, Bắc – Nam.
Ngoài ra, quỹ này cũng có thể cấp vốn cho các dự án hợp tác phát triển các nền tảng công nghệ thông tin giữa năm nước thành viên ACMECS.
Theo Prapat Thepchatreem, Giáo sư ngành khoa học chính trị ở Đại học Thammasat ở Bangkok, quỹ khu vực Mekong là một hướng đi tốt để giảm tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong ASEAN.
Vị giáo sư này cho rằng, những nước trong khu vực như Myanmar, Lào và Campuchia ngày càng phụ thuộc quá lớn vào đầu tư và thương mại của Trung Quốc và phải chấp nhận đánh đổi sự tự do kinh tế của họ. “Sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào Trung Quốc là một vấn đề lớn ở ASEAN”, ông nói.
Trong một diễn biến có liên quan đến vốn đầu tư từ Trung Quốc, ngày 4/6, trao đổi với nhật báo The Star, ông Tun Daim Zainuddin, Chủ tịch Hội đồng nhân sĩ Malaysia, một nhóm tư vấn chính phủ về các vấn đề tài chính và kinh tế, cho biết Malaysia sẽ xử lý các thỏa thuận hợp tác đầu tư bất lợi với Trung Quốc theo con đường ngoại giao.
“Chúng ta có mối quan hệ rất mật thiết với Trung Quốc nhưng không may, dưới thời chính phủ tiền nhiệm, rất nhiều hợp đồng với Trung Quốc có vấn đề, rất khó hiểu và các điều khoản chỉ thiên về một phía”, ông này cho biết.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này