10:23 - 05/08/2024
Những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu
Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến sự bất ổn chính sách gia tăng. Đó là lạm phát sẽ dai dẳng trên toàn cầu, và sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc.
Nếu ông Trump tái đắc cử…
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới, đang là tâm điểm chú ý sau những diễn biến chính trị gần đây ở Mỹ. Số phiếu thăm dò ý kiến dành cho cựu Tổng thống Donald Trump rất cao sau Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, tức vài ngày sau khi ông sống sót sau một vụ ám sát.
Theo giới phân tích, có nhiều nguy cơ bất ổn chính sách gia tăng, nếu ông Trump giành chiến thắng ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt bất ổn trong thời gian còn lại của năm 2024 và 2025, và như vậy lạm phát của nước Mỹ sẽ dai dẳng hơn.
Đặc biệt là sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc, vì nước này có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ. Chẳng hạn những thay đổi do ông Trump đề xuất về chính sách thuế, chính sách thương mại, cũng như chính sách nhập cư có tính chất mở rộng, bởi theo ông đây là những vấn đề có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Ở khía cạnh chính sách thuế, các khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp, nếu tái đắc cử ông Trump có thể sẽ gia hạn, một động thái gây lạm phát, vì nó ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn và gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Với việc nhập cư đang là điểm mấu chốt đối với cử tri Mỹ, ông Trump đã đề xuất nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế nhập cư vào Mỹ, và còn đi xa hơn khi đề xuất hồi hương những người nhập cư trái phép. Điều này có thể dẫn đến lực lượng lao động được kiểm soát chặt chẽ hơn, và cũng có thể dẫn đến lạm phát.
Dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nếu giành lại quyền lực, ông ấy đã nói rất rõ ràng rằng, sẽ tăng thuế thương mại đối với Trung Quốc lên tới 60%.
Trên thực tế, không chỉ có Trung Quốc, mà tất cả các đối tác thương mại của Mỹ đều gặp rủi ro, vì ông Trump đã đưa ra mức thuế thương mại phổ quát 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump cũng đề nghị thay thế thuế thu nhập bằng thuế quan thương mại, nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ dựa vào việc đánh thuế nhập khẩu như một nguồn thu chính, thay vì đánh thuế thu nhập của người Mỹ. Điều này cho thấy tác động đến lạm phát là rất lớn, vì nó sẽ làm tăng đáng kể chi phí của hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vào Mỹ.
Một nhóm các nhà kinh tế đoạt giải Nobel do cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Joseph Stiglitz đứng đầu, đã cảnh báo chính xác về nguy cơ lạm phát này từ các chính sách do ông Trump đề xuất.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers thậm chí còn đi xa hơn, khi cho rằng đề xuất thay thế thuế thu nhập bằng thuế quan của ông Trump là một ý tưởng rất tồi, đồng thời cảnh báo các chính sách của ông có nguy cơ gây ra lạm phát, làm chậm tăng trưởng, có khả năng gây ra tình trạng lạm phát đình trệ.
Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất
Lạm phát dai dẳng vẫn là mối lo ngại không chỉ ở Mỹ mà còn ở các quốc gia khác. Đầu tiên giá dầu thô đã tăng trở lại trên 85USD/thùng khi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục diễn ra, trong khi giá vận chuyển lại tăng do các tuyến đường vận chuyển qua Kênh đào Suez vẫn bị gián đoạn.
Giá đồng và các kim loại công nghiệp khác đã tăng trở lại lên mức cao nhất của năm 2021. Giá hàng hóa tiếp tục tăng, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu đang diễn ra. Ở Mỹ và Australia, chi phí thuê nhà và nhà ở cao hơn cũng góp phần gây ra lạm phát dai dẳng.
Nhìn gần hơn về khu vực, ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam, các ngân hàng trung ương ở những quốc gia này dự kiến sẽ chờ đợi thêm các động thái mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn vẫn có những tia hy vọng phía trước. Đó là các biện pháp kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ ổn định nền kinh tế, và giúp họ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Đối với Mỹ, thị trường việc làm dịu lại gần đây và lạm phát đang giảm dần, có thể sẽ mang lại cho Fed đủ tự tin để bắt đầu cắt giảm lãi suất dần vào cuối năm 2024 đến năm 2025, hỗ trợ đà tăng trưởng của đất nước.
Chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi, bất chấp các biện pháp thuế quan từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Những điều này đã giúp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tự tin dự đoán, quỹ đạo tăng trưởng “gần như không thay đổi” cho nền kinh tế toàn cầu, và giữ nguyên dự báo cơ bản về tăng trưởng kinh tế thế giới 3,2% trong năm nay và 3,3% cho năm sau.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nhận thức được những rủi ro chính sách tiềm ẩn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, đó là tình trạng lạm phát toàn cầu tiếp tục gia tăng và sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc. Khi đó, vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm rủi ro địa chính trị và sự bất ổn chính sách gia tăng.
Điều quan trọng hơn bao giờ hết là duy trì kỷ luật mạnh mẽ trong quản lý rủi ro, sự thận trọng trong các quyết định đầu tư và đa dạng hóa danh mục rủi ro một cách phù hợp.
Theo Heng Koon How*/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 5/8/2024
————-
Có thể bạn quan tâm
Chủ động ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại
TS Lê Xuân Nghĩa: Chung cư vẫn tăng giá trong dài hạn
Tân Hoàng Minh chỉ là ‘giọt nước tràn ly’
Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
4 yếu tố biến động và định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu
Tags:kinh tế toàn cầu
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này