06:44 - 04/12/2015
Người Việt gốc Cam kiếm sống ở Sài Gòn
Sài Gòn hiện nay là thành phố có số lượng người nhập cư đông nhất nước. Với một thành phố mở thì hẳn nhiên các sắc dân đổ về làm ăn kiếm sống là chuyện tự nhiên.
Chưa tính các sắc dân đến từ nước ngoài lưu trú làm việc cho các tập đoàn, công ty ngoại quốc, chỉ riêng các đồng bào các dân tộc nội địa bỏ núi, bỏ rừng, bỏ ruộng… về phố, thì coi như Sài Gòn cũng xứng là một chốn đa chủng tộc.
Có một người bạn Việt kiều Mỹ vui miệng nói: “Tôi về Sài Gòn sao vô nhiều quán bắt gặp người phục vụ là Việt kiều Miên vậy ông, ở Cali cũng thường thấy dân Mễ phục vụ quán phở, có chắc họ là Việt kiều Miên không”?
Cái thói quen gọi người Việt gốc Campuchia là người Miên vốn đã có lâu đời và hẳn nhiên không hề có ý kỳ thị. Họ đa phần đến từ các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… cũng có thể họ đến từ các tỉnh Campuchia giáp biên giới Việt Nam; và họ đều nói rành hai thứ tiếng Miên, Việt, thậm chí có người còn rành ngoại ngữ thứ ba là tiếng Tiều.
Ở một quán càphê thuộc loại sang trên đường Điện Biên Phủ, chúng tôi bắt chuyện với một cô gái có nước da ngâm ngâm, tướng tá chắc nịch. Cô cho biết mình là người Miên ở Trà Vinh, cô không làm phục vụ ở quán mà làm việc nhà cho chủ quán.
Cô thiệt thà nói: “Cháu đen thui, xấu hoắc, ai cho chạy bàn. Cháu biết thân giặt đồ lau nhà cho chắc ăn, mà có cực gì đâu máy làm không hà, cháu chỉ sợ làm hư máy chủ đuổi”. Hỏi thăm cô về thu nhập cô không nói, cô chỉ nói: “Cháu biết tiếng chớ ít biết chữ, mấy đứa bạn cùng quê cũng vậy, so đo với người ta đâu có được, miễn sao làm có lương gởi về nhà”.
Ở một tiệm cơm bình dân thuộc quận 11, hàng ngày chúng tôi đều thấy có bốn chàng trai người Việt gốc Miên đứng quán. Quán bán cơm sáng, cơm trưa, cơm tối, cơm khuya và toàn bộ công việc từ lặt rau, nướng thịt, chạy bàn, rửa chén, giữ xe… kể cả chặn đường tranh giành khách đều do bốn chàng trai này hốt hết.
Họ đến từ một vùng sâu ở Sóc Trăng, và khi chúng tôi hỏi thăm về điều kiện sống thì chàng trai tên là Thạch cho biết: “Bán quán cơm thì ăn cơm, chủ cho ngủ lại quán luôn, thành ra ở Sài Gòn mà quê còn hơn lúc ở quê”.
Hầu hết các lao động người Việt gốc Miên đều kiếm được việc làm ở Sài Gòn vì họ không đòi hỏi lương cao, không từ chối những công việc cực nhọc. Một bà chủ quán bún bò ở Tân Bình nói: “Trước đây người làm quán tôi là dân miền Trung, họ cũng siêng nhưng biết chỗ khác trả hơn chừng trăm ngàn là họ qua chỗ mới, kèn cựa lắm. Mấy đứa nhỏ người Miên không lanh lợi nhưng làm ở đâu là yên chỗ, mình đỡ nhức đầu chạy kiếm người”.
Một bà chủ bán bánh xèo tôm nhảy ở quận 11, nói: “Cho mấy đứa nhỏ Miên về ăn tết của nó, tới phiên tết của mình nó cũng được nghỉ ăn tết luôn. Thương lo cho tụi nó nó mới làm bền cho mình”.
Sài Gòn thời nhập cư đang cưu mang ân cần trong từng hẻm, phố các nhóm văn hoá dân tộc thiểu số khác nhau và tất cả các vấn đề về khác biệt dân tộc, tập quán, tôn giáo… đang từng giờ hướng tới sự thấu hiểu để chung sống hoà hợp, mà không cần diễn đàn kêu gọi lớn tiếng to giọng nào.
Một lần nữa, qua hàng trăm ngàn lao động người Việt gốc Miên và các nhóm đồng bào thiểu số khác, đã cho thấy Sài Gòn xứng đáng là một đô thị lớn đúng nghĩa vì biết tôn trọng chia sẻ các thị phần lao động nhỏ, lợi tức ít nhưng tầm vóc giá trị giáo dục nhau qua sự giao thoa dân tộc tính và đa văn hoá trong từng xó xỉnh mới thật sự là tài sản tinh thần vô giá cho từng công dân.
Trần Tiến Dũng
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp sản xuất làm gì để hạn chế rủi ro cuộc thương chiến Mỹ – Trung?
Tháng 1/2018: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Doanh nghiệp Mỹ ‘lao đao’ vì căng thẳng thương mại với Trung Quốc
Trần Tiến Dũng: Những ngày cuối năm của người bán chổi lông gà
Khởi động các cuộc đàm phán về đề nghị gia nhập CPTPP của Anh
Tags:người MiênSài Gòn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này