21:06 - 08/05/2019
Hàng Việt tìm cách quay lại thị trường Đông Âu
Hiện nay tổng kim ngạch thương mại hai giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu còn khá khiêm tốn. Trong năm 2018, kim ngạch hai bên chỉ đạt 10,1 tỷ USD.
Khu vực Đông Âu vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng của hàng hóa Việt Nam, nhưng dư địa thị trường vẫn còn lớn và làm sao để khai thác hiệu quả là vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Đông Âu, do Bộ Công Thương tổ chức ở TP.HCM, ngày 8/5.
Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương. Bên cạnh đó, trong khu vực Đông Âu có 8 quốc gia đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần vô cùng quan trọng trong tổng kim ngạch của Việt Nam với khối EU.
Tuy nhiên, hiện nay tổng kim ngạch thương mại hai giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu còn khá khiêm tốn. Trong năm 2018, kim ngạch hai bên chỉ đạt 10,1 tỷ USD, tương ứng với 2,65% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng giữa các bên.
Trong thời gian tới, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các hàng rào thương mại. Đồng thời, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường này còn chưa ổn định nên doanh nghiệp cần khắc phục điểm yếu này.
Đặc biệt, đối với mặt hàng gạo, thủy sản và chè là những mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá… để thâm nhập tốt hơn vào các các nước khu vực Đông Âu.
Ngoài ra, việc tham gia các FTA đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất lao động, giảm dần tỷ lệ gia công, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp bắt buộc phải nắm bắt, là xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu, nhất là thị hiếu người dân tại thị trường muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này