11:16 - 13/05/2019
Hàng Việt ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Mặc dù hàng hóa Việt đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đến gần 250 tỷ USD nhưng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa thể vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Mặc dù là trung tâm cung cấp các mặt hàng da giày, may mặc, nông sản… lớn của thế giới nhưng đến 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại thuộc về các DN FDI. Đã vậy, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được chuỗi cung ứng, năng suất thấp, công nghệ, kinh nghiệm, nhân lực, quản lý yếu.
Riêng về ngành công nghiệp hỗ trợ, dù được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và đã được xây dựng ba mươi năm qua, nhưng đến nay, các DN Việt Nam vẫn chưa thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Và trên thực tế, DN Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị, chủ yếu cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng đơn giản như bao bì, một số khuôn mẫu nhựa, các linh phụ kiện phức tạp, tinh vi như linh kiện điện tử thường do các DN FDI đảm nhận hoặc nhập khẩu từ bên ngoài.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 1.800 DN công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN đa quốc gia.
Trong các ngành công nghiệp, hai lĩnh vực được cho là phát triển nhất hiện nay là ô tô và điện – điện tử. Thế nhưng, các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho nhà sản xuất ô tô, điện – điện tử vẫn còn rất yếu và thiếu. Với ngành ô tô, sau hơn 20 năm xây dựng, Việt Nam có 20 DN lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 84 DN cung cấp linh kiện cấp 1 và 145 DN là nhà cung cấp cấp 2, 3.
Số lượng này quá nhỏ so với nhu cầu và cũng rất nhỏ so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như tại Thái Lan, ngành sản xuất ô tô nước này chỉ có 16 DN nhưng có gần 700 nhà cung cấp linh kiện cấp 1 (gồm cơ khí, điện tử, nhựa và hoá chất) và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3. Tại Việt Nam, DN có lượng ô tô con được sử dụng nhiều nhất trên thị trường hiện nay là Toyota cũng chỉ mới có được 33 nhà cung cấp linh kiện nội địa, trong số đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam.
Còn trong lĩnh vực điện – điện tử, dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò lớn cho xuất khẩu nhưng thực tế ngành này vẫn chỉ ở giai đoạn đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm điện tử. Hiện nay, doanh thu toàn ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin nhưng giá trị được nắm giữ chủ yếu là DN FDI.
Hiện có hơn 1.000 DN cung ứng sản phẩm phụ trợ nhưng các DN trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện dịch vụ thương mại. Bà Trương Chí Bình – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, hiện nay, đến 90% linh kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Với linh kiện điện – điện tử, tỷ lệ này lên đến 94%, thậm chí có những dòng linh kiện nhập khẩu đến 100%.
Chia sẻ thực tế tại TP.HCM, ông Nguyễn Phương Đông – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện Thành phố có 1.200 DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ, vẫn còn khiêm tốn so với hơn 300.000 DN đang hoạt động trên địa bàn. Năng lực cung ứng của các DN cũng hạn chế, chủ yếu là DN cung ứng cấp 3, 4 cho DN đầu cuối.
Không chỉ vậy, DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng quản lý. Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, hiện có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới. Có đến hơn 80% giá trị, lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của các tiêu chuẩn và 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược, hoạt động xuất khẩu.
Thế nhưng, mới chỉ 9% DN nội địa có các chứng chỉ chất lượng quốc tế như ISO 900 hoặc Six Sigma. Đã vậy, khả năng tuân thủ các quy trình chuẩn quốc tế hoặc sở hữu chứng nhận chất lượng của các DN nội địa không liên kết chỉ bằng 1/4 so với DN có liên kết với công ty nước ngoài.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, để hàng Việt có thể cạnh tranh và phát triển bền vững, có chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế, các DN phải đầu tư mạnh hơn nữa các hoạt động tiền sản xuất (như R&D, thiết kế) và hậu sản xuất (tiếp thị, dịch vụ hậu mãi…) song song với việc nâng cao năng lực để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, FTAs, AEC… tạo ra nhiều cơ hội về thị trường, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và quy mô người tiêu dùng.
Vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng đối với DN Việt là phải chủ động thực hiện các giải pháp trong đổi mới công nghệ, sản phẩm, tăng cường ứng dụng các hệ thống quản lý… để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí qua đó nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh để có thể đứng vào chuỗi cung ứng thế giới”, ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá.
Minh Hào (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này