12:04 - 12/06/2019
Foxconn sẵn sàng chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc
Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.
Hon Hai có đủ khả năng để sản xuất tất cả các sản phẩm iPhone bên ngoài Trung Quốc, theo một giám đốc điều hành cấp cao của Hon Hai Precision Industry Co. Tập đoàn Đài Loan, đối tác chính của iPhone, hiện sản xuất hầu hết điện thoại thông minh ở Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong việc kinh doanh của Apple, là nơi sản xuất hầu hết các sản phẩm iPhone và iPad, đồng thời cũng là thị trường quốc tế lớn nhất của hãng.
Nhưng Tổng thống Donald Trump đã đe dọa Bắc Kinh về mức thuế mới đối với hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ USD của Trung Quốc, một hành động sẽ leo thang căng thẳng đáng kể và mang đến bất lợi lớn cho Apple.
Hon Hai, còn được gọi là Foxconn, là đối tác sản xuất quan trọng nhất của Apple. Foxconn sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Apple nếu hãng cần điều chỉnh hoạt động sản xuất khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng và khó đoán hơn, Giám đốc bộ phận bán dẫn Young Liu nói với một nhà đầu tư tại Đài Bắc hôm thứ ba.
“25% năng lực sản xuất của chúng tôi nằm ngoài Trung Quốc và chúng tôi có thể giúp Apple đáp ứng nhu cầu của họ tại thị trường Mỹ”, ông Liu nói, và cho biết hãng cũng đang đầu tư thêm cho các nhà máy ở Ấn Độ. “Chúng tôi có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của Apple”.
Cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 1% lên 194,99 USD tại New York vào thứ ba.
Apple không yêu cầu Hon Hai chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, nhưng hãng có khả năng di chuyển các dây chuyền đi nơi khác theo nhu cầu của khách hàng, Liu nói thêm. Công ty sẽ phản ứng nhanh chóng và dựa vào sản xuất nội địa hóa để đối phó với cuộc chiến thương mại. Hãng đã thấy xây dựng cơ sở sản xuất ở tiểu bang Wisconsin của Mỹ hai năm trước, ông nói.
Neil Mawston, chuyên gia phân tích của Strategy Analytics cho biết, thị trường Mỹ chiếm 25% thị phần iPhone toàn thế giới “vì thế nó chiếm một phần rất lớn trong hoạt động sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc”.
Foxconn sẽ cần ít nhất một hoặc hai nhà máy lớn bên ngoài Trung Quốc chuyên phục vụ cho thị trường Mỹ, Mawston ước tính. Nếu Foxconn dành toàn bộ năng lực sản xuất ngoài Trung Quốc cho iPhone, đơn hàng của các hãng smartphone khác có thể bị trì hoãn hoặc hủy bỏ tạm thời, ông nói thêm.
Foxconn có thể chuyển một số công việc ở nước ngoài trở lại Trung Quốc để bù đắp, nếu không một số nhà máy Trung Quốc có thể phải đóng cửa.
Thực tế, không chỉ đơn giản là việc lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm. Cuộc chiến thương mại đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia. Nhiều bộ phận không được sản xuất tại Mỹ, nhưng lại thiết kế ở Mỹ. Một chip điện thoại do Apple thiết kế có thể ra khỏi nhà máy ở Đài Loan, sau đó được đóng gói (quá trình chuẩn bị để tích hợp vào mạch điện) ở một nơi khác, trước khi được chuyển đến Trung Quốc để lắp ráp vào iPhone.
“Việc chuyển lắp ráp iPhone cuối cùng ra khỏi Trung Quốc sẽ tương đối dễ dàng, nhưng việc chuyển tất cả việc sản xuất các linh kiện và toàn bộ thiết bị cầm tay sẽ khó khăn hơn nhiều” – Mawston nói.
Vẫn chưa rõ liệu Ấn Độ có trở thành cơ sở sản xuất lớn cho thiết bị của Apple hay không. Foxconn hiện đang chạy thử nghiệm chất lượng với dòng iPhone Xr ở đó và có kế hoạch sản xuất hàng loạt tại một cơ sở ở ngoại ô Chennai. Các mẫu cũ hơn đã được lắp ráp tại một nhà máy ở Bangalore.
Foxconn cũng đã đồng ý xây dựng cơ sở 13.000 công nhân tại Wisconsin để đổi lấy hơn 4,5 tỷ USD ưu đãi của chính phủ. Nhưng dự án đó đã bị chỉ trích vì công việc lương thấp, hay bị sa thải đột ngột và mục tiêu luôn thay đổi. Vào thứ ba, các giám đốc điều hành đã tái khẳng định mục tiêu việc làm, và nói rằng việc xây dựng vẫn đúng tiến độ, họ sẽ thuê tới 2.000 người Mỹ vào cuối năm 2020.
Nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất các sản phẩm mạng và máy chủ cho thị trường Mỹ vào cuối năm tới, Liu nói.
Duy Khiêm (theo TGHN/Bloomberg)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này