09:02 - 24/07/2020
Nhân dân tệ đủ sức để ‘soán ngôi’ USD?
Các lệnh trừng phạt của Washington có thể đe dọa nỗ lực toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ cấp bách cắt bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD và tăng nỗ lực sử dụng nhân dân tệ.
Nghi ngờ
Tổng thống Donald Trump tuần rồi đã ký sắc lệnh chấm dứt đối xử đặc biệt với Hong Kong nhằm trừng phạt các cá nhân và tổ chức tài chính có liên quan với đạo luật an ninh mới ban hành. Mối nguy này làm cho người ta càng lo lắng về tương lai của trung tâm tài chính Hong Kong. Đặc khu này là cầu nối cho nhân dân tệ (NDT) tiếp cận với thị trường toàn cầu bởi chiếm hơn 70% thanh toán bằng NDT bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Matt Gertken, nhà nghiên cứu về chiến lược địa chính trị thuộc hãng tư vấn vĩ mô BCA Research, nói rằng tăng cường đối đầu Mỹ – Trung đang làm mọi người nghi ngờ về giá trị và sự hiện diện hay sẵn có của đồng tiền này. Hệ quả là các nỗ lực quốc tế hóa đồng tệ của Bắc Kinh bị kéo giật lùi.
“Các thách thức địa chính trị trực tiếp từ Mỹ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong việc tăng cường tiếp xúc đồng NDT. Washington đang để tâm nhiều hơn trong việc kềm chế sự trỗi dậy về tài chính cũng như công nghệ của Trung Quốc”, Gertken nói.
Nếu Mỹ thiết lập nhiều hơn các mối quan hệ thương mại với các nền kinh tế khác thì những nước này sẽ quyết định không bắt tay với Trung Quốc để tạo ra một không gian toàn cầu nhằm đẩy đồng USD ra rìa. Cần phải nhớ đến sự tương thích của các nền kinh tế tự do ở phương Tây khác biệt hoàn toàn với nền kinh tế áp đặt ở Trung Quốc, nhất là sau những diễn tiến ở Hong Kong từ tháng 6 năm ngoái
Trường chinh lật đổ
Trung Quốc bắt đầu “cuộc trường chinh” lật đổ đồng đô la – loại tiền tệ mỏ neo toàn cầu – sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Bắc Kinh tăng cường sử dụng đồng tệ trong các vụ đầu tư và buôn bán xuyên biên giới, xây dựng hệ thống thanh toán xuyên quốc gia cho đồng tiền của mình. Họ cũng ký các thỏa ước tiền tệ với gần 40 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đồng thời cũng cổ súy cho “loại tiền tệ siêu chủ quyền” dựa trên quyền rút tiền đặc biệt (SDR) – một đơn vị thống kê kế toán do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát triển và áp dụng.
Tuy có hệ thống tiền tệ khác với đại lục, Hong Kong là nơi đầu tiên quan tâm đến toàn cầu hóa đồng NDT. Nhằm phục vụ du khách đại lục, các nhà bán lẻ và điểm đổi tiền ở Hong Kong chấp nhận đồng tệ trước những nơi khác. Bên cạnh đó, cơ chế Stock Connect – cho phép người nước ngoài đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu nội địa thông qua ngõ Hong Kong – cũng mở ra kênh đầu tư mới cho đồng tệ ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Nhưng rào cản cho toàn cầu hóa đồng tệ vẫn còn đó. Đồng tiền của Trung Quốc vẫn chưa được chuyển đổi dễ dàng sang các loại tiền tệ khác, không giống như dollar của Hong Kong (HKD). Tình hình vẫn tiếp diễn thậm chí ngay cả sau khi đồng NDT có được địa vị tiền tệ quốc tế vào năm 2006 sau khi được đưa thêm vào rổ 5 loại tiền chính có quyền SDR – bên cạnh USD, euro, bảng Anh và yen Nhật.
Bắc Kinh đã thắt chặt với các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trong những năm gần đây sau khi vốn chảy ra khỏi thị trường chứng khoán ngày một tăng vào năm 2015. Hệ quả là mục tiêu biến đồng tệ thành đồng tiền quốc tế cũng trượt dốc.
Khép kín và kiểm soát chặt
Jia Kang, nhà nghiên cứu từng làm việc với Bộ Tài chính Trung Quốc, nói với South China Morning Post rằng vẫn chưa đến lúc để Trung Quốc “phá bỏ bức tường lửa” kiểm soát vốn, bởi nước này vẫn cần một thị trường vốn khép kín nhằm tránh các tác động bên ngoài.
“Tiếp sau thương chiến với Mỹ, chúng ta đã thấy Trung Quốc áp dụng các điều kiện khó khăn với công dân của họ khi chuyển đổi ngoại tệ. Vấn đề không phải là chuyện quá trình quốc tế hóa đồng NDT tăng tốc, chuyện cần tập trung lúc nào làm cách nào duy trì tình hình hiện nay”, Jia Kang nói.
Bên cạnh thị trường vốn khép kín nhằm ngăn chặn nguồn tiền chảy ra ngoài ào ạt, chính sách kềm chế tỷ giá đồng tệ ổn định với USD đã làm dòng vốn từ ngoài chảy vào càng tăng – dù rằng chính sách này làm nền kinh tế hồi phục nhanh, SCMP trích dẫn các số liệu.
Nhà kinh tế Tommy Wu thuộc Oxford Economics nói rằng, Trung Quốc vẫn đang muốn thúc đẩy việc sử dụng của NDT ngoài lãnh thổ của họ, đặc biệt với các quốc gia tham gia chương trình “nhất đới nhất lộ”. Nhưng nhu cầu với đồng tệ có thể bị suy yếu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung.
“Nếu sự thông dụng của đồng tệ giảm đi, thì đó là kết quả của sự rời xa giữa hai cường quốc kinh tế này, khiến các nước khác tách ra và không muốn các quan hệ kinh tế quá chặt với Trung Quốc. Mối quan hệ đó càng xấu thì khả năng toàn cầu hóa của đồng tệ sẽ không suôn sẻ”, Wu phân tích.
Mong muốn càng ít phụ thuộc vào đồng đô xanh của Bắc Kinh ngày rất rõ ràng. Các thảo luận bên trong Trung Quốc đã tập trung hơn vào chuyện làm cách nào để tăng sử dụng của NDT như một đồng tiền thay thế.
Zhou Li, cựu phó giám đốc của Văn phòng Quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nói rằng đã đến Trung Quốc phải tự mình tách xa đồng USD trước khi đối đầu toàn diện có thể xảy ra. “Bằng cách tận dụng vị trí độc tôn toàn cầu của đồng USD, Mỹ sẽ gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng hơn cho Trung Quốc”, Zhou viết.
Tuy nhiên, thách thức vai trò thống lĩnh của đồng đô xanh trong hệ thống tiền tệ toàn cầu là một cuộc đối đầu khó khăn. Bởi sức mạnh tổng quát của đồng tiền Mỹ được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế, quân sự và định chế của Mỹ, đồng thời được củng cố bằng sự lựa chọn của các ngân hàng trung ương, thương nhân và nhà đầu tư toàn cầu.
“Trung Quốc sẽ cảm thấy cấp thiết hơn trong kế hoạch toàn cầu hóa đồng NDT, trong khi các quốc gia khác trên thế giới sẽ không đồng cảm hay chia sẻ sự cấp bách này”, Gertken kết luận.
Sắc lệnh Hong Kong Autonomy Act được Tổng thống Donald Trump ký ngày 14/7 với các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính và cá nhân liên quan đến luật an ninh ban hành ở Hong Kong vào tháng 6/2020. Bao gồm: cấm vay từ các ngân hàng Mỹ, tham gia các giao dịch ngoại tệ và ngân hàng, đầu tư vào cổ phiếu hay mua nợ. Chính phủ Mỹ cũng có thể đóng băng tài sản của các định chế bị nêu tên hoặc hạn chế quyền nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ.
Tuy không đặc biệt nhắm vào các định chế Trung Quốc, luật này nhằm đánh vào Ngân hàng Trung ương (BoC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc – các chuyên gia phân tích nhận định.
Theo Bloomberg Intelligence, bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc có khoản nợ đến hạn trị giá 1.100 tỷ bằng USD vào cuối năm 2019. Các ngân hàng này không chỉ giúp thanh toán trong nội địa Trung Quốc mà cũng là nguồn vốn cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng “nhất đới nhất lộ” của Trung Quốc ở nước ngoài.
Ricky Hồ – Lê Hiếu (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này