11:48 - 28/09/2021
Trung Quốc thiếu điện trầm trọng
Trung Quốc đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tới mức một số nhà phân tích phải xem xét hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, theo South China Morning Post.
Mặc dù ở Trung Quốc, việc phân bổ điện dẫn tới cắt điện luân phiên không phải là hiếm gặp, tình trạng thiếu hụt năng lượng từ nửa cuối năm ngoái tới nay có vẻ trầm trọng hơn.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu nguồn cung than cho nhiệt điện và việc Bắc Kinh tìm cách đẩy nhanh tiến độ đạt các mục tiêu về cắt giảm phát thải là những vấn đề gây ra diễn biến bất lợi này. Hệ quả kéo theo có thể là việc ngành sản xuất bị ảnh hưởng và gia tăng lạm phát.
Trong tháng qua, 16 trong số 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc, ngay cả những trung tâm công nghiệp như tỉnh Quảng Đông hay vùng Mãn Châu ở đông bắc nước này, đã triển khai các biện pháp phân bổ điện do tình trạng thiếu năng lượng.
Ngày 27/9, chuyên gia Lục Đĩnh, lãnh đạo nhóm nhà kinh tế về Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính Nomura (Nhật) nhận xét rằng “tình hình đã trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần qua” khi việc ngắt điện không chỉ ảnh hưởng tới các nhà máy, xí nghiệp.
Ở vành đai công nghệ sắt thép Liêu Ninh – Cát Lâm – Hắc Long Giang, người dân đã lên mạng xã hội phàn nàn về tình trạng mất điện thường xuyên, ngay cả trong giờ cao điểm, mà không có thông báo trước.
Hôm 23/9, nhiều cột đèn giao thông ở TP Thẩm Dương (Liêu Ninh) đã đột ngột ngừng hoạt động, gây ra dòng xe cộ ùn tắt kéo dài.
Tại Cát Lâm, giới chức đã thông báo trên mạng xã hội WeChat rằng việc cắt điện “bất thường, không theo kế hoạch và không báo trước” sẽ có thể kéo dài tới tháng 3 năm sau” và “việc mất điện, nước sẽ trở nên bình thường”. Tuy nhiên, tuyên bố này đã được gỡ xuống, thay bằng thông báo khác với từ ngữ nhẹ nhàng hơn.
Giới chức Quảng Đông – tỉnh có nền kinh tế đứng đầu cả nước – đã ban hành thông báo về tiết kiệm điện, kêu gọi các tổ chức chính quyền trong toàn tỉnh đi đầu bằng cách hạn chế sử dụng thang máy ở ba tầng lầu đầu tiên. Trước đó, tỉnh này đã áp hạn mức tiêu thụ điện vào giờ cao điểm hoặc hạn chế giờ làm việc đối với một số loại hình doanh nghiệp.
Vấn đề “bị bỏ qua”
Tuy nhiên, do dư luận và giới đầu tư đang tập trung vào vụ tập đoàn bất động sản Evergrande vỡ nợ hay các quy định mới của Bắc Kinh đối với ngành nhà đất, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang “bị đánh giá thấp hoặc thậm chí bị bỏ qua” – ông Lục bình luận.
Trước tình hình này, Nomaru đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 8,2% xuống còn 7,7% hoặc con số thực tế có thể còn thấp hơn.
Việc hạ dự báo tăng trưởng của Nomaru cũng xét tới thiệt hại kinh tế do đợt tái bùng phát Covid-19 trong những tuần gần đây, khi sự lay lan của biến thể Delta khiến nhiều địa phương yêu cầu đóng cửa các nhà hàng và các địa điểm giải trí, cũng như hủy bỏ một số sự kiện thương mại tầm cỡ thế giới.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này