
10:11 - 28/10/2019
Tái dụng nhựa là cách giải quyết rác đại dương hiệu quả nhất
Nhựa đại dương đã trở thành một vấn đề nổi cộm trong những năm gần đây, nhựa lại là một nguồn tài nguyên quá giá trị để loại bỏ hẳn, nên quản lý rác thải này một cách hiệu quả và đưa chúng vào một hệ thống kinh tế tuần hoàn sẽ là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề, các chuyên gia tại một hội thảo ở Tokyo hiến kế.
Một số thành viên tham gia hội thảo đề xuất các giải pháp, như sử dụng polymer phân hủy sinh học tiên tiến nhất và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế mới đối với khả năng phân huỷ sinh học của nhựa. Các cán bộ cao cấp nước ngoài, quan chức các bộ trong chính phủ, doanh nhân và các thành viên Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Cuộc đối thoại hợp tác nhiều bên của UNIDO Nhật Bản, đã thảo luận các giải pháp dành cho vấn đề nhựa đại dương. “Tại UNIDO, chúng tôi tin rằng vấn đề nhựa đại dương chủ yếu là do thiếu một biện pháp xử lý rác thải phù hợp. Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu rò rỉ nhựa ra môi trường nói chung và ra môi trường đại dương nói riêng”, phó tổng giám đốc UNIDO Hiroshi Kuniyoshi nói trong bài phát biểu khai mạc hội thảo.
Tám triệu tấn rác nhựa trôi ra đại dương mỗi năm, tạo ra tác động tàn phá đối với đời sống đại dương, các nỗ lực bảo tồn và môi trường. Tuy nhiên, chỉ có 9% rác nhựa đã sản xuất được tái chế, trong khi 12% khác được thiêu huỷ, theo một tài liệu do UNIDO phát đi hồi tháng 4. Số 80% còn lại nằm lại ở môi trường tự nhiên hoặc trong bãi rác.
“Nhựa dẻo là một vật liệu rất có giá trị, và có rất nhiều lợi thế trong việc sử dụng nó… Tôi nghĩ rằng tốt nhất là hãy nghĩ đến làm cách nào chúng ta có thể thực sự sử dụng các đặc tính của nhựa, đồng thời cũng tìm ra các phương thức để quản lý nó và bảo đảm nó sẽ không phá huỷ môi trường”, Kuniyoshi trả lời tờJapan Times trong một cuộc phỏng vấn.
Một nền kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra một hệ thống khép kín, qua đó các nguồn tài nguyên được tái dụng suốt vòng đời của chúng, cuối cùng làm giảm đầu vào của tài nguyên, cũng như giảm đầu ra của rác thải trong suốt chu kỳ nền kinh tế. Điều này ngược lại với một nền kinh tế tuyến tính, qua đó các tài nguyên được khai thác, sử dụng một lần rồi vất đi.
“Theo nguyên tắc mọi người đều thắng, và với nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta càng gần với một công thức mà bạn có thể khiến các công ty làm điều đúng đối với môi trường và kiếm tiền, và làm điều đó một cách tự nguyện”, Stephans Sicars, giám đốc ban Môi trường của UNIDO, nói với tờ Japan Times sau hội thảo. Sicars còn nói thêm rằng, với một nền kinh tế tuần hoàn, sức mạnh của kinh tế sẽ dẫn dắt lợi ích của mọi người hướng đến những chọn lựa bền vững, cho dầu trong những lĩnh vực mà bắt buộc thực thi không đủ mạnh.Để minh hoạ, ông nêu ra việc các túi nhựa có thể cấm trong một lĩnh vực, nhưng lệnh cấm lại không tạo ra sự khác biệt vì thiếu sự cưỡng bách thực thi. “Do đó, khi nó trở thành lợi ích của mọi người trong việc giảm rác thải và giảm sử dụng vật liệu, và tái chế nhiều hơn… người ta sẽ giảm tác động môi trường ngay cả khi quy định không quá nghiêm ngặt. Và đó là mục tiêu chúng ta tiến đến”, Sicars nói.
Một số người tham gia hội thảo đã sẵn sàng tiến đến tiếp cận một nền kinh tế tuần hoàn.
Công ty Kaneka đã trình bày nghiên cứu về polymer của hãng có thể thay thế các chai nhựa PET thông thường, bằng một sản phẩm thân thiện với môi trường và sẽ phân huỷ sinh học cả trên đất liền và ngoài đại dương.
Masao Kunioka, một uỷ viên tại viện Khoa học công nghiệp và công nghệ tiên tiến quốc gia, cũng bàn về việc tạo ra các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế mới và các yêu cầu đối với khả năng phân huỷ sinh học của nhựa.
“Theo ý kiến của chúng tôi, nếu chúng ta không thay đổi cách thiết kế và sử dụng sản phẩm, thì vấn đề rác nhựa sẽ không được giải quyết”, nhưng điều đó cũng dành ra không gian cho các doanh nghiệp xanh mới ra đời, Sicars giải thích trong bài phát biểu của ông tại hội thảo.
“Để giải phóng sức mạnh của kinh tế và giao trọng trách mới cho những người sử dụng và thiết kế sản phẩm nhựa, là chìa khoá buộc ngành công nghiệp phải thay đổi,” ông nói thêm.
Tàu chạy bằng nhiên liệu rác nhựa
Một đội tàu tự duy trì sẽ gom và xử lý nhựa các loại trên các tuyến đường thuỷ thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận công bố trong tháng này. Ocean United, một tập đoàn có trụ sở tại California, công bố đã nhận được khoản tài trợ 40 triệu USD cho nỗ lực dọn rác nhựa đại dương. Tập đoàn sẽ thiết kế và đóng một đội tàu mỗi chiếc có thể thu được 50 tấn rác nhựa các loại/ngày. Con tàu có tên là iCat-90 Skimmer sẽ xử lý nhựa ngay trên tàu, và biến nó thành nhiên liệu sử dụng công nghệ “hoá lỏng thuỷ nhiệt hỗn hợp”. Nhiên liệu đó sẽ dùng chạy tàu.Mỗi 50 tấn nhựa sẽ chuyển đổi thành 285 thùng dầu diesel sinh thái nồng độ lưu huỳnh cực thấp.iCat-90 là dạng tàu hai thân dài hơn 90m, chiếc đầu tiên hạ thuỷ vào ngày 22/4/2020. Đội tàu năm chiếc hoạt động vào năm 2024.
Khởi Thức (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này