10:03 - 20/01/2020
Nguyễn Hàng Tình: K’Nia, đừng nhớ đồng loại nữa mà!
Thuở rừng núi còn điệp trùng chẳng ai đi rừng mà có thể thấy cây K’Nia nào bị chết đứng trong đó cả. Nó là loài chịu đựng giỏi và tha thiết khát khao sinh tồn, tiêu biểu mà. Giờ nó cô đơn đến thế…
“Bỏ chạy lên đồi tìm ảo ảnh/
Va miền củi mục xác xơ mây”(Thơ của Krajan Bri)
Tại sao đứng đó một mình, hỡi K’Nia (1)?
Từ xa, nhìn phần dưới, nó rất giống một hình nhân, và tàn lá hình dù kia rõ tựa đang che dù trên đầu. Hình ảnh sống này dứt khoát là chân dung của một hình tượng. Chắc là hình tượng tâm linh rừng-người-đất-xứ, thoát ra khỏi bản thể thật của một loài cây.
* * *
Mỗi sáng, những tia nắng mặt trời đầu ngày liếm qua đỉnh núi, người con gái đội dù hoá mộc thành một âm bản khi nhìn nó ngược với hướng sáng mặt trời. Như một bức tranh phông vàng đỏ, tối giản, với một nhân vật chính là nó. Bức tranh thật và rực rỡ.
Khi nắng chiều tà về thì cũng thế, chỉ xê dịch đi chút những sắc màu, khi nhìn ngược từ hướng đông. Ở lúc trưa, giữa nắng gắt, thì nó là một thỏi xanh lẻ loi in trên nền phông xanh dương trộn trắng phau của mây trời mênh mông. Bóng nó đổ đủ một chấm mát ở ngay chỗ đất nó đứng lên thôi. Cho dù thân nó cao to, nhưng khi lẻ loi giữa bao la đất trời thì thứ gì mà chẳng thành bé bỏng. Ôi cái nắng nhiệt đới núi cao tàn khốc, buổi không còn đại ngàn nguyên sinh, như cứ sẵn muốn nuốt chửng thỏi xanh tự nhiên cuối cùng này. Nó như gồng lên để chống chọi, khát sống, cho dù một mình. Sức chịu đựng khủng khiếp. Nhưng thời điểm này, nó là một bức tranh đẫm lệ, đẹp chết lặng trong ánh sáng tràn đầy, xót xa, hiu hắt giữa khắc nghiệt, càng chơi vơi hơn trong phối màu thiên nhiên xanh dương pha trắng tuyết đó.
Là cây rừng, mà phải sống một mình
Ngày mưa, nó ướt sũng giữa trời. Phông trời màu trời xám xịt, và hình dáng nó in vào đó. Sự mờ ảo của nước trời làm nó hoà lút vào trong đó, nên con người không còn cảm giác được sự chơi vơi và vẻ cô độc của nó nữa. Mà sự thật thì nó vẫn lẻ loi. Màn mưa núi u tịch đã đánh lừa lớp phủ mặt một mình kia. Chắc nó sẽ buồn hơn nữa vào lúc này, tự nó gặm nhấm nỗi buồn đó, các loài khác không thể biết. Nó buồn một mình nó, dù tội nghiệp, nhưng còn đỡ hơn khi tôi phải chứng kiến. Xót lắm. Cảm giác về số phận làm ta đau, đau cho sự “một mình”.
Chắc nó không có ý định tìm kiêu hãnh bằng cách này. Định mệnh ư ?! Đau cho sự hẩm hiu, hay sự chia lìa nào đó đã diễn ra. Có cái gì đó bất công và oan nghiệt. Có cái gì đó cay đắng, phũ phàng. Có cái gì đó phất phơ, mà cả xô dạt nữa. Cho dẫu nó có kiên cường thì ta vẫn cảm giác tê buốt. Cho dù bầu trời núi mờ mịt nước từ trên trời, nhưng nghĩ về nó ở nơi đó lại khó biến mất được lòng thương. Cái cây có thể biết khổ đau hơn cả con người, nhưng chỉ con người mới ồn ào réo rắt tâm cảm ra ngoài trần thế. Cái cây khác con người là không thể đi thăm nhau. Cây một mình càng không biết thăm cây nào. Ta thấy giống loài mình, loài người, có lỗi với nó. Cũng còn người không ác, hoặc không cạn hết lương tâm. Nó đứng đó đã là một ân huệ, ân huệ cuối cùng. Đố ai biết nó sẽ được đứng đó đến trọn đời hay ngày nào đó nó phải “ra đi”. Bức tranh ngày mưa về nó, mang màu xám lạnh, hoài vãng âm u.
* * *
Quê hương còn lại của nó là địa bàn núi rừng dĩ vãng, đổ từ Liêng Srol, Da Saral, Da Tong, ở bờ bắc con sông Krông Nô (Lâm Đồng), sang bờ nam con sông này (Dăk Lăk), vùng Nam Ka, Dăk Nuê, Lăk. Mới hôm nào dải núi đồi điệp trùng kia rặt toàn K’Nia. Chen dưới chân đồi, trảng bằng, thung thấp là bòn lẻ tẻ rải ra – nghĩa rằng cũng là nơi ở ngàn đời của người M’Nông Gar bản địa. Rừng là của Yàng (thần), của sự cao thiêng vũ trụ, mỗi bòn lẩy ra một chút để dựa vào đó sống, tạo sản vật. Bỗng một ngày núi rừng thành sở hữu của toàn dân, do xí nghiệp lâm nghiệp, lâm trường “đại diện quản lý”. Họ thu mình vào những mảnh đất trống canh tác lâu nay của ông cha, dòng họ. Xoay xở, loay hoay.
Buổi nao đại ngàn muôn loài, nhưng cây, con gì họ cũng đặt tên để gọi. Và loài cây thương yêu này được gọi là tờm K’Nia. Giờ thì chỗ nào có đồi núi, có đồi rẫy của sắc tộc M’Nông Gar họ may ra còn thấy nó đứng, là bởi vậy. Tất nhiên, nếu là rẫy của người nhập cư mới từ phía Bắc vào sẽ không còn bóng dấu đâu, nó sẽ được dọn tiễn đi luôn cho mặt phẳng được hình thành. Người ta còn tìm nó ở các cánh rừng còn lại ở xa khuất hơn ở các lớp núi kia, để đốt than nữa kìa. Tốt như than cây K’Nnia mà cứng, đạm, bền, lâu tàn. Nên giờ những rừng K’Nia không còn, nhưng cái tiếng “vùng đốt than” vẫn chưa xoá hết tên, dù người M’Nông không có truyền thống sản xuất than thương mại. Trong cuộc marathon khai hoang đó, bỗng một ngày người M’Nông Gar cũng vào cuộc tranh tìm đất canh tác, tư liệu sản xuất, bằng mọi giá, là cũng đã phá rừng bừa bãi, bất chấp Yàng (2) ngược lại với tổ tiên họ, bởi núi rừng giờ bỗng người chật đất thưa, nguyên sinh dồn đến chỗ cùng đường rồi. Nhưng họ có chủ ý giữ nó lại trên rẫy mình. Không cho “ở” nhiều đâu, mỗi rẫy chỉ một cây. Không phải vì thân cây K’Nia quá cứng đâu, bởi thời buổi này phương tiện cưa sắt khối, kim cương còn đứt gọn phút chốc thì kể chi thân thực vật. Thì họ đã bày tỏ là mình còn cần đến “kỷ niệm” về rừng mà. Họ không chọn trồng một cây sầu riêng, nhãn, măng cụt, bơ, mít, hay bụi chuối để lấy bóng mát, mà chọn giữ lại một tờm K’Nia.
Ta đã biết sắc dân M’Nông Gar dùng gỗ của cây K’Nia để làm gối gối đầu – xẻ ra một miếng nhỏ đủ kê đầu. Ta cũng biết cái cối và chày giã rau, giã lúa, giã bắp, giã rễ cây làm men rượu cần của họ làm bằng gỗ K’Nia mà. Chao ôi, lại cái màu tím thẫm của lá non K’Nia nữa, mỗi năm hai lần ra lá, mềm buồn như ký ức của đại ngàn. Bức tranh lúc này thẫm lịm khi nhân vật chính bỗng thay màu áo lá mới trên thân, tươi mà vẫn buồn buồn, buồn như nai mất suối, như cọp mất hang, như chim mất tổ, như Kòn vơnus (3) mất nhà.
K’Nia lá hình dạng nào thì trái nó hình dạng đó, một dáng bầu dục. Đập đau tay mới lột ra được lớp vỏ dày để ăn được chút cơm trong hạt K’Nia, ăn tượng trưng như tưởng nhớ tận xa thẳm chút hương vị rừng xưa sót lại. Xưa mùa nắng, người M’Nông Gar đi rẫy, mở cơm mang theo trong gùi ra ăn ở đó, dưới gốc K’Nia. Nay mùa nắng, kéo tấm bạt giăng ra từ chiếc xe công nông đổ dưới chân đồi mà ngồi lại, ăn. Mùa mưa, càng tránh xa nó. Vì lúc đó, chỗ cây K’Nia giờ đã quá não sầu, dù nó là loài cây sạch tinh tươm từ mặt đất lên tới đỉnh lá, không có nhiều sâu bọ, côn trùng, và sự “một mình” đầu non ấy là nơi sấm sét trời xanh trút xuống nữa. Nghĩa là vốn đã cô đơn, thì mùa mưa nó càng cô đơn hơn, quạnh quẽ tuyệt cùng, không gì che chở. Người thương nó mà vẫn không thương đủ mùa. Họ chỉ cho nó một chỗ để tá túc, tồn tại. Hiện hữu như một chứng nhân của những gì diễn ra trên mặt đất, trên miền quê hương núi này.
Cây cũng thương yêu cây, cần nương tựa vào nhau, vậy nhưng chúng chia lìa từ lâu rồi. Trời xanh thương nó bằng thứ tình thương phũ phàng của bạo chúa, trút từ dịu dàng đến tàn khốc của khí hậu, thời tiết, giông gió xuống đầu nó. Tuổi thọ nó lại quá cao, tính bằng nhiều trăm năm. Thuở rừng núi còn điệp trùng chẳng ai đi rừng mà có thể thấy cây K’Nia nào bị chết đứng trong đó cả. Nó là loài chịu đựng giỏi và tha thiết khát khao sinh tồn, tiêu biểu mà. Giờ nó cô đơn đến thế, không biết có lúc phải tìm đến tự vẫn không nữa. Bậy mà, cây thì làm sao mà tự vẫn, có chăng chỉ bỏ ăn, rễ không buồn đi tìm dưỡng chất, hút nước, lá không buồn hô hấp, trao đổi khí. Trước một sinh linh, dù là cây, làm sao mà không nghĩ về thân thể và linh hồn, tư cách một sinh vật, một loài, trong thế giới vạn vật, trong càn khôn vũ trụ này.
Quê hương của nó không hề nằm trên đường xích đạo. Những con chim gõ kiến cũng không còn thấy an toàn khi làm tổ trên thân nó, K’Nia.
* * *
Có những mùa ta đi ngang mà không dám nhìn lấy nó. Sức chịu của ta không thể như K’Nia – loài cây gắn bó thân thiết với người sơn nguyên. Ta phải dựa vào loài ta, người, ta mới hấp thụ được tình yêu cuộc sống và sống được. Ta thương những xóm người mới, Dao, Nùng, H’Mông, Tày từ tận Tây Bắc xa xôi, nghèo khổ lọt vào rừng tìm cõi sống, dù họ lẩy bạn bè K’Nia ra khỏi nó, chỉ còn mỗi nó, nhưng ta phải đau cho nó…
Những dãy núi M’Nông Gar từ đó mòn vì cơm áo, dạ dày, cùng những cơ cầu của con người, và tuyệt tình với đa dạng sinh học, sinh thái, sinh giới. Một bi kịch oan cừu và bi tráng chung cho cả Kòn vơnus lẫn Chi Che (4) ở xứ M’Nông Gar, nơi mà Georges Condominas từng buộc mình thành một bộ phận, công dân luôn ở bòn Sar Luk gần đó, để viết ra khảo cứu đặc biệt huyền thoại về không gian sinh tồn và cộng đồng xã hội kỳ diệu của cuộc sống minh triết thuận thiên cuốn Chúng tôi ăn rừng. Nhà dân tộc học người Pháp lừng danh nếu tái thế thì có khi cũng thơ thẩn như tờm K’Nia thôi. Rồi nó cũng thành một dạng Ót’Nrông.
Tờm K’Nia đứng đó lặng câm. Làm sao mà khuyên nó đừng nhớ đồng loại nữa.
Ta thương nó và thương cả loài người khi phải đi gieo “nghiệp” khắp nơi.
bài và ảnh Nguyễn Hàng Tình (theo TGHN)
———————-
Theo thổ ngữ sắc dân M’Nông Gar: Kơ Nia (1), Thần (2), Con người (3), Cây cối (4)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này