10:19 - 30/05/2024
Không phải công nghệ, một ngành khác ở Indonesia hút mạnh vốn đầu tư
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang tìm kiếm những cơ hội tại thị trường nước sạch Indonesia khi quốc gia này đang xây dựng thủ đô mới.
Thu hút vốn đầu tư
Các công ty cơ sở hạ tầng nước từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang cạnh tranh nhau quyết liệt nhằm tham gia vào dự án xây dựng thủ đô mới trị giá hàng tỷ USD của Indonesia. Giai đoạn đầu tiên của quá trình di dời sẽ bắt đầu vào tháng 8 năm nay.
Hiroshi Shimizu, kỹ sư xây dựng cấp cao tại CTI Engineering International của Nhật Bản, nói bên lề Diễn đàn Nước Thế giới ở Bali : “Sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh ở thủ đô mới của Indonesia”. Tại sự kiện này, hơn 250 gian hàng đã được các chính phủ và công ty trên khắp thế giới thiết lập.
Chính phủ Indonesia có kế hoạch di dời thủ đô từ Jakarta đến Nusantara, một thành phố mới đang được xây dựng trên đảo Borneo. Thành phố dự kiến sẽ có dân số 2 triệu người vào năm 2040 và có nhiều ngành công nghiệp, tạo ra nhu cầu rất lớn về nước sạch và hệ thống quản lý nước.
CTI có trụ sở tại Tokyo, là một công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn về kỹ thuật và quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Công ty này hy vọng sẽ cung cấp các dịch vụ như đánh giá rủi ro ngập lụt và lũ lụt cũng như tư vấn biện pháp đối phó lũ lụt cho thủ đô mới.
Tổng thống đương nhiệm của Indonesia, ông Joko Widodo, sẽ rời nhiệm sở vào tháng 10/2024 khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc. Do đó, ông coi dự án di dời thủ đô là di sản lớn nhất của mình. Theo kế hoạch, 20% kinh phí cần thiết đến từ ngân sách nhà nước, trong khi phần còn lại cần đến từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài của Indonesia.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng giao thông hay năng lượng, nước sạch cũng là chủ đề nóng tại Indonesia. Trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới, ông Bambang Susantono, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Thủ đô Nusantara, đã kêu gọi sự hợp tác quốc tế để đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn.
Ông gọi thủ đô mới là “thành phố thông minh” và nói thêm rằng Indonesia đang nỗ lực triển khai các công nghệ như hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt để giảm thiệt hại và tăng khả năng phục hồi của thành phố trước lũ lụt.
Cuộc cạnh tranh giữa ba ông lớn
Sự tích cực của các công ty Nhật Bản là điều dễ hiểu khi trong những năm gần đây, Tokyo gặp khó khăn trong việc cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Nhưng Shimizu tin rằng có những thứ mà Nhật Bản vẫn có thể cung cấp ở Đông Nam Á. Lợi thế đầu tiên, theo Shimizu, là sự tương đồng về địa lý giữa Indonesia và Nhật Bản.
“Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy ra thiên tai và đã tích lũy kinh nghiệm trong việc phòng chống thiên tai, vì vậy chúng tôi sẽ có thể chứng minh sức mạnh công nghệ của mình ở Indonesia”, Shimizu cho biết.
Công ty Nhật Bản có kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng nước, và gần đây đang hướng tới việc mở rộng năng lực phòng chống thiên tai bằng cách sử dụng internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Trung Quốc khá tự tin với tiềm năng hợp tác tại dự án này. Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Môi trường CITIC, một công ty nhà nước, cho biết: “Việc di dời thủ đô của Indonesia mang đến những cơ hội to lớn. Chúng tôi muốn chủ động hỗ trợ sự phát triển của Indonesia”.
CITIC – tập trung vào các dự án như xử lý nước và xử lý chất thải rắn – đang tìm kiếm cơ hội ở Indonesia, bao gồm cả dự án vốn, mặc dù vẫn chưa cam kết đầu tư vào thủ đô mới.
Trong khi một số công ty đang xem xét thì Tập đoàn Tài nguyên Nước Hàn Quốc đang nhắm tới Nusantara. Công ty tiện ích thuộc sở hữu của chính phủ Hàn Quốc hiện đang xây dựng nhà máy xử lý nước Sepaku Semoi trong thành phố để cung cấp nước sạch cho Nusantara và các khu vực lân cận, trở thành nhà máy đầu tiên cung cấp nước máy có thể uống được ở thủ đô mới của Indonesia.
Khi được hỏi về các khoản đầu tư bổ sung vào Nusantara, đại diện của công ty cho biết: “Chúng tôi thấy nhu cầu về cơ sở hạ tầng đang tăng lên”, đồng thời gợi ý việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI để quản lý tài nguyên nước.
Được công bố vào năm 2019 từ Tổng thống Joko Widodo, kế hoạch xây dựng thủ đô mới của Indonesia dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2045. Ước tính chi phí cho siêu dự án này vào khoảng 32- 35 tỷ USD.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ngày đăng: 30/5/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này