09:49 - 18/03/2019
Hít thở ngày càng khó
Hà Nội và TP.HCM được đưa vào danh sách những thành phố có chất lượng không khí ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong mấy ngày qua, người dân TP.HCM lại thấy một màn sương màu trắng đục trong không khí. “Màu không khí” này vốn thường xuất hiện vào thời điểm trước cuối năm. Anh L.K.Thi, ở quận Phú Nhuận, cho biết mỗi khi thấy không khí chuyển màu như vậy anh rất lo ngại. Trước đây anh ít quan tâm đến ô nhiễm không khí, nhưng từ khi có con nhỏ, thường xuyên phải đưa rước con đi học nên anh cảm nhận rõ về sự chuyển biến của không khí, ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
“Thời điểm trước Tết Nguyên đán, tôi thường bị mất ngủ về đêm vì ho do khô cổ. Trong dịp tết, không phải đưa đón con đi học, triệu chứng này giảm hẳn. Thế nhưng những ngày gần đây, triệu chứng đó lại xuất hiện. Ngẫm lại mới thấy, hôm nào không khí có “màu” mà mình phải ra đường thường xuyên thì hôm đó về sẽ bị ho”, anh K.Thi nói.
Nếu người dân TP.HCM thấy chất lượng không khí ở nơi mình đang sống xấu một thì những người sống ở Hà Nội sẽ thấy điều đó rõ hơn nhiều lần. Một báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế (GreenPeace) mới công bố cho thấy, TP.HCM đứng thứ 15, Hà Nội đứng thứ 2 trong số những thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo của GreenPeace về chất lượng không khí của các thành phố trên thế giới cho thấy, đối với TP.HCM phần lớn ở trong khoảng màu vàng và cam (từ trung bình đến kém). Theo giải thích của các chuyên gia, ở miền Nam có 2 mùa mưa – nắng. Vào mùa mưa, nước mưa giúp rửa trôi những chất ô nhiễm trong không khí nên không khí trong lành dễ chịu sau cơn mưa, nhất là những trận mưa lớn. Chất lượng không khí chỉ tệ vào thời điểm cuối năm khi mùa mưa kết thúc và đầu năm sau khi mùa mưa chưa bắt đầu. Ở Hà Nội, tình hình cũng tương tự. Báo cáo của GreenPeace năm 2018 cho biết, trong 12 tháng thì có đến 3 tháng (1 – 2 – 11) không khí được cảnh báo mức đỏ (mức xấu). Ở mức này, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhóm nhạy cảm gồm người già, trẻ con, người có bệnh hô hấp và kể cả phụ nữ mang thai nên tránh ra ngoài; còn người bình thường cũng hạn chế ra ngoài. Các tháng 3 – 4 -10 – 12 chất lượng không khí ở mức màu cam (kém), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhóm nhạy cảm. Như vậy có nghĩa là 7/12 tháng, chất lượng không khí ở Hà Nội không tốt cho sức khỏe người dân nói chung. Những tháng còn lại, chất lượng không khí cũng chỉ ở mức trung bình.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số trung bình tính theo tháng. Trên thực tế, mức độ ô nhiễm tại từng địa điểm và thời gian cụ thể còn tệ hơn nhiều. Theo kết quả quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và thiết bị đo di động của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), có không ít ngày chất lượng không khí của Hà Nội chuyển sang màu tím – mức rất xấu, cảnh báo sức khỏe khẩn cấp, ảnh hưởng đến tất cả cư dân.
Thiệt hại lớn nếu không kiểm soát ô nhiễm không khí
Nghiên cứu của WHO cho thấy trên thế giới cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới và những thiệt hại này ước tính sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu với tổng chi phí 225 tỉ USD hằng năm.
Tại VN, TS Lê Việt Phú ở ĐH Fulbright, ước tính ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến kinh tế ở mức tương đương 5 – 7% GDP. Theo TS Phú, VN không cần cải thiện chất lượng không khí theo chuẩn thế giới (chuẩn VN thấp hơn khuyến cáo của WHO) mà chỉ cần làm sao kiểm soát và quản lý chất lượng không khí đúng chuẩn của mình, sẽ hạn chế được rất nhiều hệ quả xấu.
Thực tế, nếu không kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và phát triển kinh tế. Olympic Bắc Kinh 2008 có nguy cơ “phá sản” cũng vì ô nhiễm khi hàng loạt ngôi sao lớn từ chối tranh tài ở nơi mà môi trường không khí không đảm bảo. Đến nay, GreenPeace cho biết chất lượng không khí ở Bắc Kinh ngày càng được cải thiện, còn các thành phố ở Đông Nam Á có thể sớm bắt kịp cũng như vượt qua Bắc Kinh về mức độ ô nhiễm không khí.
GreenPeace kêu gọi các chính phủ cần mở rộng và cải thiện hệ thống giám sát chất lượng không khí cũng như công khai thông tin, kiến thức cho cộng đồng. Bên cạnh đó xây dựng các kế hoạch hành động để đưa chất lượng không khí về mức có thể chấp nhận được càng sớm càng tốt. Khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Chất lượng không khí được tính toán qua quy đổi theo cách hiểu đơn giản gần giống với quy luật của đèn tín hiệu giao thông, nhưng được chia ra đến 6 cấp độ. Cụ thể: màu xanh (chất lượng không khí tốt), vàng (trung bình), cam (kém), đỏ (xấu), tím (rất xấu), tím đậm (nguy hại). Màu cam đồng nghĩa với nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí ở mức 101 – 150 (µg/m3). Hạt bụi này nhỏ hơn nhiều lần so với tóc người nên dễ dàng đi thẳng vào phổi khi chúng ta hít thở. Và dĩ nhiên ngoài PM 2.5 còn có những dạng hạt bụi nhỏ hơn được gọi là PM 1.0.
Theo Chí Nhân/Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này