
09:25 - 12/11/2019
Hệ thống gom rác nhựa trên sông
Tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup đã hạ thuỷ tàu thu gom (interceptor), một hệ thống tự hành thu gom rác nhựa từ các dòng sông trước khi chúng trôi ra biển.

Hệ thống interceptor chuyên gom rác nhựa trên sông vừa được lắp tại Klang, Malaysia, đang hoạt động.
Hai hệ thống interceptor vừa mới đi vào hoạt động ở Klang, Malaysia và Jakarta, Indonesia.Chiếc interceptor thứ ba sẽ triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam; hiện nay, chiếc này đang trong quá trình xác định vị trí để neo thả.Trong khi chiếc thứ tư được hạ thuỷ ở Santo Domingo tại Cộng hoà Dominica. Thái Lan đã đăng ký để nhận một chiếc interceptor neo gần Bangkok, và tổ chức Ocean Cleanup cho biết, họ đang đàm phán để có một chiếc triển khai tại quận LA ở Mỹ.
Ocean Cleanup cho rằng, hệ thống chạy bằng năng lượng mặt trời này sẽ góp phần nâng cao các nỗ lực không ngừng trong việc loại bỏ chất thải nhựa khỏi các đại dương của tổ chức.
“Để thực sự giải phóng rác nhựa ở đại dương, chúng ta cần dọn dẹp những tồn tại và đóng vòi không cho thêm nhựa thải vào đại dương ngay từ nguồn”, Boyan Slat, sáng lập viên của Ocean Cleanup, nói. “Kết hợp công nghệ làm sạch đại dương với interceptor, các giải pháp hiện nay tồn tại để giải quyết cả hai vế của một phương trình”.
Các interceptor bao gồm các rào chắn nổi gắn kết với các nhà máy chế biến, giống như xà lan và được neo trên sông. Các rào chắn sẽ dẫn rác thải nhựa vào miệng nhà máy hoạt động bằng các tấm pin mặt trời, và không cần đến sự điều hành của con người.
Một băng tải tách chất thải ra khỏi nước và vận chuyển nó đến một tàu con thoi, tàu này tự động đổ chất thải vào các container trên một xà lan riêng biệt neo đậu phía dưới. Khi các container đầy, hệ thống máy tính trên đó báo động cho các đối tác địa phương đưa một con tàu lai dắt chiếc xà lan rác nhựa đem đi tái chế. Mỗi hệ thống chỉ trải ngang một phần của con sông, nên tàu thuyền và động vật hoang dã có thể hoạt động quanh đó.
Theo Ocean Cleanup, mỗi interceptor có thể lược 50.000kg rác mỗi ngày trên một con sông, cũng có thể đạt được 100.000kg “trong các điều kiện tối ưu hoá”. Ocean Cleanup đưa ra mục tiêu lắp đặt các interceptor ở 1.000 con sông ô nhiễm nhất thế giới trong vòng năm năm. Theo nghiên cứu của tổ chức, trong đó có một bản đồ tương tác, 80% rác trong các đại dương chỉtrôi đến từ 1% rác ở các con sông trên thế giới.
Các tấm pin mặt trời của thiết bị sạc vào các bộ pin lithium-ion, cho phép nhà máy chạy 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần mà không phát ra tiếng ồn hoặc khói.
Ocean Cleanup phát triển hệ thống gom rác sông để bổ sung nhiệm vụ ban đầu của họ là vệ sinh ô nhiễm nhựa ở các đại dương trên thế giới. Hệ thống 001, có biệt danh là Wilson, là một giàn phao thu gom nhựa từ bãi rác Great Pacific Garbage Patch ở Thái Bình Dương. Nó gặp phải nhiều trở ngại lớn, trong đó có một vết nứt vào tháng 1/2019, buộc phải lai dắt đến Hawaii để sửa chữa. Hệ thống cải tiến 001/B có thể thu gom một số loại nhựa, trong đó có những vụn nhỏ chừng 1mm. Nhựa thu gom từ giàn phao sẽ được tái chế hoặc đốt để phát điện.
Những kẻ bài xích dự án nêu ra các quan ngại rằng hệ thống, đã nhận được tài trợ 30 triệu USD, là một giải pháp không khả thi trong việc dọn rác nhựa ở đại dương. Cyrill Gutsch, người sáng lập Parley for the Oceans, đã cảnh báo rằng dọn sạch toàn bộ nhựa đang tồn tại ở đại dương là một công việc bất khả thi. Tổ chức của Gutsch đã đăng ký thương hiệu Ocean Plastic để quảng bá việc chống ô nhiễm biển.Ông nói với tạp chí kiến trúc và thiết kế Dezeen, rằng cần phải tập trung vào việc tạo ra thứ thay thế nhựa.“Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta sẽ không kiểm soát được nhựa”, ông bày tỏ. “Và tôi không muốn tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta có thể dọn sạch đại dương, vì tôi không cho rằng chúng ta làm nổi”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngăn không cho rác nhựa đổ vào đại dương ngay từ đầu là một chiến lược tốt hơn là cố sức loại bỏ rác ấy một khi chúng đã trôi ra đại dương. Chuyên gia tái chế Arthur Huang nói với Dezeen hồi đầu năm nay, rằng thu gom rác khỏi các dòng sông ô nhiễm “sẽ có tác động nhiều hơn là gom rác ở đại dương”.
Đặng Kính (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này