15:44 - 18/09/2018
Dự án thủy điện Pak Lay: thêm một ẩn họa cho sông Mekong
Các chuyên gia Việt Nam đánh giá tài liệu mà phía Lào cung cấp để xây dựng dự án thủy điện Pak Lay là “yếu kém”, chưa thuyết phục về mặt khoa học.
Ngày 18/9, tại TP.HCM, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự án thủy điện Pak Lay trên dòng chính sông Mekong.
Đây là dự án thủy điện thứ 4 sau Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng trên dòng chính sông Mekong.
Chủ đầu tư Trung Quốc
Ngày 12/6/2018, Ủy ban sông Mekong Lào gởi thông báo đến Ủy hội sông Mekong Quốc tế về kế hoạch triển khai dự án thủy điện Pak Lay.
Dự án Pak Lay ở khu vực miền trung của Lào, nằm ngay dưới chân dự án Xayaburi (sắp hoàn thành). Công suất lắp máy 770 MW, lưu lượng xả nước thiết kế 6.101 m3/giây, vận hành với độ cao cột nước 14,5 m.
Công trình được thiết kế 14 tổ máy phát điện dạng bóng đèn được đặt trong nhà máy với tổng chiều dài 400 m. Đập tràn bao gồm 14 cống xả với kích thước mỗi cửa cộng rộng 20 m, cao 20 m và cao trình đáy cống là 205 m. Âu thuyền loại 1 có thể cho tàu 500 tấn qua. Đường đi cá được thiết kế như lòng dẫn tự nhiên với độ sâu 3 m, rộng 6 m.
Lào dự kiến sẽ khởi công dự án này vào năm 2022, hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2029. Dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thiết kế và làm chủ đầu tư.
Tiêu chuẩn Trung Quốc
Dựa trên các tài liệu phía Lào cung cấp, nhóm chuyên gia của Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã phân tích và thấy rằng hồ sơ còn rất hạn chế về mặt khoa học.
Ông Trần Minh Khôi, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận xét: Hồ sơ dự án rất dày nhưng về tổng thể được cắt ghép từ các dự án trước (3 dự án Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng). Các số liệu thu thập không đầy đủ, không sử dụng số liệu chính thức của Ủy hội sông Mekong Quốc tế. Công cụ, phương pháp nghiên cứu, lấy mẫu chưa rõ ràng… Các kết quả nghiên cứu chưa áp dụng mô hình để có kết quả định lượng mà chỉ mới định tính theo ý kiến chủ quan của người thực hiện.
Ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, nói thẳng : Cũng giống như đập Pak Beng, số liệu thật sự rất ít. Ngay cả số liệu mực nước tại thủ đô Viêng Chăn họ cũng không thu thập. Hồi dự án Pak Beng, khi tham vấn chúng tôi đã đóng góp ý kiến rất nhiều và lần này cũng sẽ như vậy. Nhưng phía Lào họ vẫn tiến hành.
“Điều đáng lo ngại hiện nay chính là tiêu chuẩn an toàn hồ đập cũng theo chuẩn Trung Quốc, không theo chuẩn quốc tế. Điều này cũng dễ hiểu vì đơn vị tư vấn thiết kết, chủ đầu tư Trung Quốc. Cũng giống như dự án Pak Beng, đây là dự án do Trung Quốc thiết kế, đầu tư”, ông Trung nói.
Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho biết, việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ĐBSCL, vựa lúa, cá, tôm, trái cây của cả nước. Về nguyên tắc không có người dân và chính quyền địa phương nào đồng ý.
Chúng ta cũng đã góp ý rất nhiều từ các dự án trước nhưng đáng tiếc là không thành công. Vấn đề là cần phải nghiên cứu, tìm luận chứng khoa học để tiếp tục góp ý, thuyết phục phía Lào, giải pháp thích ứng cho ĐBSCL từ bây giờ.
“Ở góc độ cá nhân, nếu bây giờ chúng ta không bảo vệ được vùng ĐBSCL sau này sẽ có lỗi với các thế hệ con cháu”, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long lo lắng.
Ngày 17/9, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và các thành viên của Mạng lưới ra thông báo “Tẩy chay tham vấn Pak Lay tại Lào”. Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn tham vấn các bên liên quan cấp khu vực về dự án được đề xuất của thủy điện Pak Lay, dự kiến vào ngày 20 – 21/9/2018 tại Viêng Chăn (Lào). VRN đưa ra 3 lý do của việc tẩy chay diễn đàn trên:
– Chính phủ Lào đã không tôn trọng các ý kiến tham vấn đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực hạ lưu khi xây dựng đập thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.
– Báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội của đập thủy điện Pak Lay đã sử dụng lại khoảng 90% nội dung của bản báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội thủy điện của đập Pak Beng.
– Chính phủ Lào vẫn giữ quan điểm tiếp tục xây dựng các đập thủy điện tại Lào bằng mọi giá bất chấp các hệ lụy xấu gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông Mekong và tác động xấu tới sinh kế của người dân sống ở hạ lưu sông Mekong.
Theo Chí Nhân/Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này