
16:37 - 08/08/2018
Dân vùng biên An Giang xài điện mặt trời rồi nha!
Trong khi quy hoạch điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn chờ cơ chế hoà lưới điện quốc gia, thì tại vùng biên giới tỉnh An Giang, 85% hộ dân bắt đầu tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để làm ra điện tự lo cho sinh hoạt hàng ngày.
Ánh sáng xanh
Trong căn nhà lụp xụp, 40m2, chị Thuý (Nguyễn Thị Thuý), 41 tuổi, ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, bật ti vi sử dụng năng lượng mặt trời. Cũng như 85 hộ nghèo, cận nghèo khác ở xã này, chị được dự án Năng lượng xanh của trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) hỗ trợ 35% chi phí lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời (mỗi tháng góp 156.000 đồng trong vòng mười tháng). Hệ thống này gồm hai tấm pin năng lượng mặt trời, công suất 100W/tấm; bình ắc quy và bộ dây nguồn. Nay, chị góp được mười tháng. Trước đây chị xài đèn dầu. Từ khi có điện thì coi được ti vi, quạt gió và xài đèn trong nhà được luôn.
Do không có vườn đất, chị Thuý làm thuê và bán nước uống dọc đường. “Thu nhập mỗi ngày 100.000 – 150.000 đồng, nếu không có dự án thì cũng không biết tới chừng nào nhà có ánh điện!”, chị nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó trưởng ấp Tà Lọt, từng 20 năm công tác, nói: “Từ khi có điện xài bằng pin mặt trời, mấy hộ dân ở đây mừng lắm. Đợt 1 xét ưu tiên cho 3 – 4 hộ nghèo nhất, ai cũng nghi ngờ, bây giờ thì 85% hộ dân đã sử dụng!”.
Gia đình bà Sáu Hường, có bốn người, sử dụng pin năng lượng mặt trời ba năm nay chưa sửa lần nào. Chi phí lắp khoảng 15 – 20 triệu đồng. Gia đình có thể xài được ti vi, quạt gió, nấu cơm, sạc điện thoại. Mỗi tháng tiết kiệm được 300.000 – 400.000 đồng tiền sạc bình, khỏi phải mất công chạy tới chạy lui.
Anh Nguyễn Trung Tín, cán bộ dự án GreenID tại Tịnh Biên, nói rằng, các thanh niên tình nguyện đang tiếp cận các trường tiểu học, THCS để gởi tài liệu, tập huấn, làm các mô hình mẫu, đồ chơi được tận dụng nguồn phế liệu tái chế để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Để không gây hoạ môi trường?
PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường đại học Cần Thơ), cho biết mô hình pin năng lượng mặt trời tại nhà là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo TS Tuấn, bằng cách đi theo con đường phát triển năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thuỷ triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt… sẽ phù hợp với khu vực này. Thực tế, nếu tính chi phí – lợi ích lâu dài, thì giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo không hề đắt hơn nhiệt điện than.
Trong khi, phát triển nhiệt điện than ở vùng ĐBSCL rất đắt, giá thành thường tăng xấp xỉ 2%/năm. Tại Việt Nam, có 14 nhà máy than, nhưng chưa có cảng tiếp nhận than. Giá điện tái tạo nhìn có vẻ cao hơn, nhưng tương lai (trên dưới năm 2030) thì sẽ cân bằng, trong khi lại không gây hại môi trường.
PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, chủ nhiệm dự án “Sản xuất bền vững khí sinh học từ rơm thải” (do trường đại học Cần Thơ và trường đại học Aarhus, Đan Mạch phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2017), cho biết, thay vì dùng 100% phân heo, chúng ta có thể dùng 50% rơm nạp bổ sung, hoặc 100% rơm để tạo khí sinh học, mà không ảnh hưởng đến khả năng tạo khí của túi ủ.
Lượng rơm ở ĐBSCL trung bình từ 20 – 24 triệu tấn/năm. Nguồn tài nguyên phế thải này chỉ được dùng một ít vào thức ăn chăn nuôi, trồng nấm rơm, hàng thủ công mỹ nghệ, làm vật liệu xây dựng…, còn lại đốt trên 20 triệu tấn/năm (trong đó, vụ đông xuân chiếm hơn 1/2 lượng rơm đốt trên), làm tăng đáng kể lượng khí thải nhà kính.
Đang có 27 hộ dân ở TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang làm dự án “Sản xuất bền vững khí sinh học từ rơm thải”. PGS.TS Chiếm kỳ vọng, cách làm trên mở ra hướng đi mới cho sản xuất khí sinh học khi thiếu hụt nguồn nguyên liệu nạp cho túi ủ biogas trong thời gian tái đàn, dịch bệnh, hay các hộ gia đình nuôi heo với số lượng ít.
Trong 36 tháng xuyên suốt từ năm 2016 đến nay, dự án Năng lượng xanh An Giang được hỗ trợ tài chính bởi tổ chức Bánh mì cho thế giới, triển khai tại ba xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Các mô hình được ứng dụng tại ba xã, huyện Tinh Biên, tỉnh An Giang bao gồm: đèn xách tay năng lượng mặt trời, mô hình pin năng lượng mặt trời 200Wp, bếp đun cải tiến và bếp sạch 3G, biogas, bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn LED. GreenID tiến hành hỗ trợ các mô hình năng lượng bền vững: lắp đặt đèn LED cho uỷ ban xã, lắp đặt hai hộ biogas composite tại xã Tân Lợi, hỗ trợ mô hình năng lượng mặt trời hai đợt với tổng hơn 100 mô hình pin năng lượng mặt trời, 150 hộ dân tiếp cận đèn xách tay, lắp đặt hệ thống 2040Wp cho trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và hỗ trợ trường bộ kít 22Wp dạy học.
bài, ảnh Ngọc Bích (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này